Từ lâu lụa tơ tằm Việt Nam vẫn luôn chiếm một vị thế trên thị trường thế giới. Lịch sử ghi nhận cách đây cả nghìn năm lụa tơ tằm Việt Nam đã được các thương nhân phương Tây vô cùng ưa chuộng khi đến giao thương với nước ta qua các cảng biển ở miền Bắc. Lụa tơ tằm và cả các nghệ nhân dệt lụa khi đó được triều đình nhà Lý coi là các quốc bảo.
Hãy cùng DeSilk tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về quy trình sản xuất lụa tơ tằm tại Bảo Lộc, thủ phủ dâu tằm tơ của Việt Nam những năm gần đây.
Con tằm và cây dâu tạo ra kỳ tích
Mặc dù hiện nay, có rất nhiều loại côn trùng và vật liệu tự nhiên được sử dụng để sản xuất tơ. Nhưng phổ biến nhất vẫn là ấu trùng của sâu bướm - thuộc loài bướm lụa. Từ những chú sâu tằm đáng kinh ngạc này, sẽ tạo ra được một trong những chất liệu vải được săn lùng nhiều nhất hiện nay với hàng loạt ưu điểm tuyệt vời! Và để tằm có thể sinh trưởng, nhả tơ thì không thể thiếu cây dâu với nguồn lá dâu dồi dào là thức ăn của tằm.
Vải lụa tơ tằm có vẻ đẹp óng ả, nhẹ nhàng nhưng cũng rất bền bỉ. Nó nhanh chóng trở thành một trong những chất liệu vải cao cấp nhất hiện nay. Việt Nam là một trong những quốc gia may mắn có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nghề trồng dâu, nuôi tằm từ xa xưa.
Quy trình sản xuất lụa tơ tằm tại Bảo Lộc
Phải trải qua nhiều công đoạn từ trồng dâu – nuôi tằm – ươm tơ – dệt lụa. Cùng sự tỉ mỉ và công phu của người thợ ở các khâu thì mới tạo ra được những thước lụa mềm mại và quyến rũ. Nếu ở miền Bắc, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển sớm hơn và nổi tiếng hơn. Thì ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, một tỉnh cao nguyên ở miền Nam lại là nơi con tằm cây dâu và khí hậu phù hợp nhất để quanh năm có thể ươm tơ, dệt lụa, không bị gián đoạn, cho sản lượng cao. Trong khi các vùng miền khác người ta chỉ nuôi tằm theo những thời vụ nhất định.
Trước đây, người thợ phải làm thủ công nên rất vất vả. Còn giờ đây, áp dụng máy móc, kỹ thuật vào sản xuất, các khâu được đơn giản đi rất nhiều nhưng vẫn đòi hỏi sự tập trung, kinh nghiệm và tay nghề cao của người thợ để làm ra những tấm lụa tơ tằm chất lượng cao làm nổi danh cái tên Bảo Lộc trên bản đồ tơ lụa thế giới.
1. Nuôi tằm (Sericulture)
Trước hết, để có những sợi tơ dài dệt được khổ lớn đòi hỏi chất lượng cây dâu, con tằm và kỹ thuật để tằm nhả kén ươm tơ hết sức tỉ mỉ. Sericulture là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình nuôi tằm và thu hoạch kén của chúng để lấy nguyên liệu dệt lụa. Con tằm cái đẻ khoảng 300 đến 500 quả trứng trong mỗi lần sinh sản. Những quả trứng này được ấp trong môi trường có kiểm soát đến khi chúng nở thành ấu trùng (sâu bướm) và nở ra con tằm.
Tằm ưa khí hậu mát mẻ, trong lành nên các vùng cao nguyên như Bảo Lộc rất thích hợp để nuôi tằm. Vòng đời của tằm từ khi nở đến khi nhả tơ, tạo kén sẽ từ 23 – 25 ngày, chia thành 5 độ tuổi. Trải qua bốn lần lột xác, tằm nhỏ được nuôi riêng và cho ăn lá dâu non. Lá dâu là thức ăn chính của tằm và cũng là nguyên liệu để tằm tạo ra tơ. Dâu thường được trồng trên nền thổ nhưỡng phù sa màu mỡ và mỗi năm được đến 2 lần để phát triển nhanh và khoẻ, đủ cung cấp lá cho các lứa tằm. Việc hái lá dâu còn phải căn cứ vào tuổi lớn của tằm, bao giờ cũng hái từ trên ngọn xuống, tằm nhỏ hái lá non, tằm lớn hái lá bánh tẻ.
Tằm ăn suốt ngày đêm, ăn 4 ngày thì nằm yên không ăn nữa, gọi là tằm ngủ. Tằm ngưng ăn dâu ít động đậy, đầu ngẩng cao. Sau 2 ngày ngủ, tằm sẽ lột xác và chuyển sang tuổi sau. Tằm lên 5 là tằm ăn nhiều nhất để tích lũy dinh dưỡng trước khi nhả tơ gọi là ăn rỗi. Thời kỳ ăn rỗi lượng thức ăn tiêu thụ bằng 80% các tuổi khác. Sau khoảng 3 tuần tằm phát triển đến kích thước tối đa của nó, mình tròn, da căng bóng, trong suốt, tằm ngừng ăn. Đó là lúc tắm chín, cơ thể nó chứa đầy chất lịch trong suốt, lúc này tằm có xu hướng ngoi đầu lên, bò đi tìm nơi thích hợp để làm tổ, sẵn sàng để nhả tơ, tạo kén.
Tằm chín thì người ta bắt tằm lên né để tằm nhả tơ tạo kén. Né là chiếc khung xếp tạo thành các ô hình chữ nhật thông thoáng. Bắt tằm chín lên né quá sớm hay quá trễ cũng ảnh hưởng đến chất lượng kén. Tằm nhả tơ tạo kén từ ngoài vào trong, đầu tiên là vài vòng tơ thô bao bọc bên ngoài để định hình tổ kén gọi là áo kén. Trong vòng 4 ngày liên tiếp, con tằm xoay cơ thể theo chuyển động hình số 8 khoảng 300 ngàn lần liên tục, nhả thành sợi tơ dài gần 1km, quấn quanh mình tạo thành cái kén.
Tơ chính là một loại sợi protein dạng lỏng, nhớt và trong suốt, được tiết ra từ tuyến nước bọt của tằm, khi tiếp xúc với không khí, chất lỏng này đông cứng lại, và tạo thành sợi tơ. Tằm chín tiết ra chất lỏng thứ 2 gọi là sericin chính là một loại keo dính chặt hai nhánh tơ mảnh với nhau thành một sợi tơ. Sau khi nhả hết tơ, tằm kiệt sức nằm yên trong kén và hóa thành nhộng, lúc này có thể bắt đầu gỡ kén để đem đi ươm tơ.
2. Ươm tơ - kéo sợi
Khi tằm quay kén, chúng sẽ tự bao bọc mình bên trong và đó cũng là lúc để trích lấy sợi tơ. Lúc này, kén được thả vào nước sôi để làm mềm và hòa tan chất gôm kết kén lại với nhau. Đây là một bước quan trọng trong quy trình sản xuất tơ lụa vì nó đảm bảo rằng sợi tơ sẽ được nối liên tục và không bị đứt rời. Những cái kén tằm được thả vào nồi đun để trích lấy sợi tơ. Sau đó tơ được trích cẩn thận khỏi kén thành từng sợi dài riêng lẻ và quấn thành cuộn.
Bánh xe quay tơ truyền thống luôn và sẽ luôn là một phần không thể thiếu trong quy trình sản xuất tơ lụa. Dù các quy trình sản xuất công nghiệp hiện nay có thể kéo sợi tơ nhanh hơn nhiều, nhưng cũng chỉ là mô phỏng lại các chức năng vốn có của bánh xe quay cổ điển. Hầu hết các nhà máy ươm tơ của Bảo Lộc đã sử dụng cơ khí tự động. Mỗi chuyền ươm tơ kéo sợi hiện nay chỉ cần từ ba đến bốn công nhân. Nhưng họ thực sự đều là những người rất thành thạo trong công việc. Mỗi người quản lý hàng chục máy kéo sợi, dù máy đã được lập trình nhưng làm sao để kén có độ vừa phải, bắt được mối, nối được mối liên tục đòi hỏi người thợ các nhà máy thực sự có trình độ tinh xảo trong nghề. Nếu chỉ bằng mắt thường, thậm chí còn khó có thể nhìn thấy sợi tơ, nhưng ở đây có độ cảm nhận bằng tất cả các giác quan và kinh nghiệm để xử lý trong khâu ươm tơ.
Thông thường, khoảng 10 sợi tơ sẽ được rút chập lại với nhau tạo thành chỉ tơ. Chỉ tơ được cuộn vào các con suốt rồi sau đó cho chạy vào các guồng tơ tròn để tạo thành các bó tơ
Tại Bảo Lộc, người ta vẫn nói tuyển thợ ươm tơ trước nhất phải tuyển tính cách, cần sự tỉ mỉ, tinh tế. Bởi nếu chỉ sơ suất nhỏ, bỏ qua một vài mối nối có thể hỏng cả con tơ con suốt khi mang đi kéo sợ. Lại mất thêm nhiều công nữa mới có thể hoàn thành cả bó tơ. Tơ để dệt lên những tấm lụa DeSilk luôn được lựa chọn kỹ lưỡng và có chất lượng tốt nhất mà Bảo Lộc sản xuất ra.
3. Xe sợi
Tại Bảo Lộc, những bó tơ sẽ được kiểm định và phân loại kỹ trước khi mang đi xe sợi và đánh suốt để cho công đoạn dệt lụa. Ở công đoạn này, tùy theo loại lụa sẽ dệt mà người thợ sẽ xe loại sợi phù hợp. Thông thường, sợi trước khi xe sẽ được qua công công đoạn máy đánh ống hoặc máy chập sợi (còn gọi là máy đậu sợi). Từ đó, sợi tơ được cuốn thành búp. Tuỳ thuộc vào chất lượng, cách xoắn sợi tơ, số lượng sợi xe mà lụa sẽ điều chỉnh độ dày mỏng, tạo nên nhiều loại lụa phong phú với đủ độ mỏng, rủ, trong, bóng hay mềm cứng, óng ánh.
Tùy thuộc vào chất lượng tơ cùng cách xử lý sợi tơ, xoắn tơ mà người ta có loại tơ cùng tên gọi, chất lượng khác nhau đó là:
- Sợi mốt: Chỉ sợi tơ to dùng dệt dọc để dệt không đứt.
- Sợi mành: Đây là sợi tơ nhỏ và dùng dệt ngang, lụa đều không xảy ra tình trạng chỗ dày chỗ mỏng.
- Sợi đũi: Chính là sợi kén cắn tỏ, không ươm tơ được và xù xì, thơ.
Ngoài ra theo cách gọi theo phương thức se sợi sẽ có các loại sau đây:
- Sợi đơn: Đây là kết quả quá trình xoắn 1 sợi tơ thô, sợi xoắn dạng này đó là sợi nhiễu hay sợi the xoắn.
- Sợi khổ: Chính là sợi thu được của quá trình xoắn hai hoặc nhiều sợi tơ thô và các sợi này dùng dệt ngang.
- Sợi xoắn: Chính là sợi khổ và nó được xoắn chặt.
- Sợi se 2 lần: 2 hoặc là nhiều sợi đơn được se tạo thành một sợi rồi sau đó chúng chập đôi thông qua quá trình xoắn ngược.
4. Dệt lụa
Dệt lụa là quá trình khi các sợi tơ được kết hợp với nhau. Có nhiều cách dệt tơ lụa – kiểu dệt vân đoạn (satin), kiểu dệt vân chéo (twill) và kiểu vân điểm (plain) là những phương pháp phổ biến nhất và mức độ hoàn thiện của tấm vải lụa sẽ phụ thuộc vào kiểu dệt được áp dụng.
Nhìn chung, dệt tơ là đan xen hai bộ sợi tơ lại để chúng quấn vào nhau và tạo ra một mảnh vải đồng đều và chắc chắn. Các sợi tơ sẽ được dệt theo các góc vuông, từ đó có sợi dọc và sợi ngang. Sợi dọc sẽ chạy cheo chiều lên và xuống trong khi sợi ngang sẽ nằm ngang trong mảnh vải.
Khâu này tại Bảo Lộc, do áp dụng máy móc hiện đại nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, người thợ dệt không còn vất vả như xưa nhưng cũng đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm rất cao. Mỗi chuyền dệt lụa bây giờ đòi hỏi không nhiều công nhân, nhưng kỹ thuật và kinh nghiệm từ thời mắc go, kéo sợi, dệt trơn, dệt hoa đã tích lũy cả trong việc xử trí các chuyền dệt. Nếu dệt xưa phải lựa nắn và vẽ đồ các mẫu. Thì ngày nay, khi mẫu được đồ sẵn lại đòi hỏi sự quan sát tinh tưởng, tỉ mẩn, cần nhận ra sớm nhất khổ ngang, khổ dọc, sợi tơ đã được hồ kỹ chưa. Khi dệt, nếu sợi ngang được điều chỉnh khá nhiều do máy móc thì người thợ phụ trách sợi dệt dọc lại đòi hỏi kỹ thuật yêu cầu cao hơn. Với mười ba nghìn sợi tơ để tạo một tấm dọc được quan sát, chỉnh sửa, cảm nhận từ mối nối con tơ đã đủ độ căng, độ đều hay chưa và không bị so, đó là sự đòi hỏi đối với tay nghề của thợ dệt.
5. Nhuộm lụa - In lụa
- Nhuộm lụa
Nếu là tấm lụa trơn một màu sẽ được đem đi nhuộm. Vẻ đẹp của lụa sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn nhuộm màu này. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ máy móc hiện đại, người thợ nhuộm Bảo Lộc có thể làm ra các tấm lụa lên màu đẹp và bền màu hơn mà không còn phải vất vả như ngày xưa nhưng kinh nghiệm, cảm nhận với lụa vẫn được đề cao.
- In lụa
Nếu một tấm lụa với hoa văn và thiết kế đặc biệt (như lụa DeSilk) được yêu cầu, nó sẽ cần được in. Việc này có thể được thực hiện theo hai phương pháp khác nhau: In lưới truyền thống hoặc in kỹ thuật số.
Phương pháp in lưới truyền thống là quá trình đưa một thiết kế sang mảnh vải lụa trơn, sử dụng khuôn in, bàn in, dao gạt và mực in. Nguyên tắc cơ bản của kĩ thuật này là thấm mực vào giấy in một phần và đặt xuống tấm vải trơn để in họa tiết lên đó. Quá trình thực hiện phải chậm rãi và tỉ mỉ, đòi hỏi trình độ kỹ năng cao nên thành quả vô cùng tuyệt vời.
In lụa kỹ thuật số sử dụng máy in vải được thiết kế với chức năng đặc biệt, sử dụng mực in chuyên dụng để chuyển chi tiết được vẽ tay hoặc bằng công cụ kỹ thuật số lên tấm lụa. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào in lụa là bước tiến lớn đối với ngành thời trang. Nhờ đó, sản phẩm in ra có hiệu ứng đặc biệt, có chiều sâu, lung linh và bắt mắt hơn công nghệ in truyền thống. Đây là một xu hướng được nhiều các hãng thời trang lớn quan tâm và phát triển.
Luôn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, DeSilk đã nghiên cứu làm ra loại lụa 100% tơ tằm in 3D với độ sắc nét với đạt tới hàng chục triệu điểm màu, chuẩn xác như in ảnh, diễn tả được mọi sự biến hoá và chuyển động của màu sắc một cách tinh tế nhất. Thông qua kỹ thuật in 3D hiện đại, duy nhất ở Việt Nam chỉ có DeSilk có thể truyền tải trung thực tác phẩm thiết kế với nhiều tầng thứ màu sắc và chi tiết tinh xảo lên lụa.
6. Hoàn thành
Để có thể sẵn sàng đem sử dụng, các tấm lụa phải được xử lý hoàn thiện kỹ lưỡng. Lụa sau khi in xong sẽ được chuyển ngay sang khâu hấp trong nhiệt để đảm bảo độ bám của mực in. Cộng với đó là các công đoạn nhỏ xử lý tấm lụa mang lại độ bóng sáng vốn có của chất vải trứ danh và vẻ mượt mà, bền đẹp, chống được nhăn, nhàu, lại khử mùi rất tốt.
Không phải áp dụng dây chuyền kỹ thuật hiện đại là hiện đại hoàn toàn. Tại Bảo Lộc, những tấm lụa hoàn thiện đến tay người tiêu dùng là sự kết hợp của truyền thống và hiện đại. Hoặc là trong quá trình sản xuất cũng có những khâu làm bằng thủ công, có những khâu bằng làm hiện đại. Những tấm lụa làm ra vì thế có chất lượng cao, giữ được hồn cốt của tơ tằm truyền thống Việt Nam vừa bắt kịp với yêu cầu đòi hỏi cao của thời trang hiện đại.
Ứng dụng của lụa tơ tằm Bảo Lộc trong cuộc sống hiện đại
Lụa tơ tằm Bảo Lộc nổi danh và được xuất khẩu đi khắp thế giới, được người tiêu dùng tín nhiện bởi chất lượng 100% tự nhiên.
Với những ưu điểm nổi bật của lụa như nhẹ nhàng, mềm mượt, sáng bóng, thoáng mát, tạo khí chất thanh cao của tơ tằm Bảo Lộc. Nên sản phẩm ngày càng được ứng dụng rất nhiều trong ngành công nghiệp thời trang tạo ra những bộ trang phục đẹp, sang trọng và cả ngành gia dụng như chăn ga gối lụa tơ tằm. Không chỉ vậy, nhiều các ứng dụng khác của lụa tơ tằm cũng rất được lòng khách hàng như khăn lụa, cà vạt… Với những ai đã dùng qua lụa tơ tằm tự nhiênđều thấy rằng số tiền bỏ ra dù có đắt đỏ hơn các sản phẩm khác nhưng vô cùng xứng đáng.
Vượt lên trên giá trị của một tấm vải hay chiếc khăn quàng, DeSilk không phân biệt tuổi tác, giới tính, biên giới mà phiêu du với thiên nhiên, không gian văn hoá, nghệ thuật, kỹ thuật độc đáo, những hoạ tiết đặc trưng Việt Nam, chắt lọc tinh tuý cảm xúc truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những điều này được giải mã, và tái hiện lại tươi mới dưới con mắt của nhà thế kế tài ba người Thuỵ Sĩ gốc Việt. Một sự kết hợp Đông - Tây hoàn hảo đem lại dấu ấn riêng cho người sử dụng. DeSilk đã và đang phấn đấu để làm được những sản phẩm tương xứng với vẻ quý phái của bạn. DeSilk yêu và trân trọng vẻ đẹp, sự quý phái trong con người các bạn và đã may mắn được các bạn tin yêu, lựa chọn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: