Xuất thân là một cô gái hái dâu, bà Đoàn Thị Ngọc trở thành Đoàn quý phi, sau là Hiếu Chiêu Hoàng hậu. Người dân trong vùng tôn là Bà chúa Tằm Tang bởi bà đã góp công đưa lụa của xứ Đàng Trong nối vào “con đường tơ lụa trên biển”.
Cho đến tận nay đã hơn bốn trăm năm mà nhân dân xứ Quảng vẫn còn tự hào và tôn vinh một người thôn nữ rất mực xinh đẹp và đôn hậu chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở làng Chiêm Sơn, thuộc Tân Dân, tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam nay là làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên là Đoàn Thị Ngọc mà nhân dân thường gọi với cái tên kính ngưỡng là Bà Chúa Tàm Tang Xứ Quảng và về sau được Phủ Chúa phong tước là Đoàn Quý Phi.
Truyền thuyết dân gian Xứ Quảng cũng đã kể lại rằng vào một đêm trăng đẹp năm 1615, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trong một chuyến tuần du Quảng Nam đã cùng Hoàng tử thứ hai lúc đó khoảng 15 tuổi là Nguyễn Phúc Lan, dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền rồng ngược dòng sông từ Dinh trấn Thanh Chiêm đến thôn Điện Châu, châu Đông Yên, Duy Trinh, huyện Duy Xuyên Duy Xuyên thì nghe một giọng hát trong ngần và quyến rũ của một thôn nữ từ một nương dâu bên bờ sông vọng tới theo làn gió mát. Cô gái hát rằng:
Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng,
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa...
Một lúc sau, cô gái lại hát tiếp:
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu,
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình...!
Giọng hát và lời ca của cô thôn nữ trong đêm thanh vắng đã làm rung động tâm hồn và xao xuyến trái tim của hoàng tử đa cảm Nguyễn Phúc Lan. Được phép của vương phụ, hoàng tử cho thuyền rồng men theo triền sông đi tìm tiếng hát. Khi lên bờ, bên bóng dâu xanh thắm nhuộm ánh trăng vàng, chàng trai vương bá đem lòng say đắm người thục nữ kiều diễm vừa độ trăng tròn rất mực đôn hậu là Đoàn Thị Ngọc, ái nữ của hào trưởng Đoàn Công Nhạn. Hình như cuộc kỳ ngộ này đã được sắp xếp từ trước bởi bàn tay Ông Tơ Bà Nguyệt xe duyên.
Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu - Bà chúa Tằm Tang ngay trên đất dinh trấn Thanh Chiêm xưa nay ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).
Bà Chúa Tàm Tang trong sự nghiệp phát triển nghề tơ tằm Xứ Quảng
Xứ Quảng vốn là một khu vực địa chất nằm giữa hai khối kiến tạo lớn là địa khối uốn nếp Trường Sơn Bắc và rìa bắc của địa khố i Kontum thuộc Trường Sơn Nam, nhờ sự phún xuất dung nham nên lòng đất Xứ Quảng có nhiều khoáng sản và màu mỡ hơn so với các vùng đất phía bắc và phía nam.
Lê Quý Đôn đã đánh giá sự giàu có của Xứ Quảng rằng "Xứ Quảng là đất phì nhiêu nhất thiên hạ”.
Vì vậy, từ xưa Xứ Quảng đã là một vùng đất nổi tiếng về nông nghiệp phát triển, trong đó có nghề tơ tằm, một vùng đất nổi tiếng từ lâu "đàn ông trồng dâu, đàn bà dệt lụa”.
Vốn là một người lao động xuất thân từ một làng quê mà nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là một nghề cha truyền con nối, nên cô thôn nữ làng Chiêm Sơn Đoàn Thị Ngọc đã sớm thành thạo và đam mê nghề nghiệp của cha ông.
Sau khi trở thành phu nhân phu nhân Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan ở Dinh trấn Thanh Chiêm và cả sau khi trở thành Đoàn Quý Phi quay trở về sống trên quê hương trong những năm cuối đời, Bà luôn luôn khuyến khích bà con nông dân ở các phủ huyện của quê hương mình phấn đấu trồng thật nhiều dâu, nuôi thật nhiều tằm, sản xuất thật nhiều tơ và lụa để bán ra nước ngoài nhằm cải thiện đời sống.
Thỉnh thoảng Bà đi thuyền từ Dinh trấn Thanh Chiêm và ngược dòng sông Thu Bồn và cả sông Vu Gia đến tận các làng xã tơ tằm ở ven đôi bờ các con sông đó để thăm hỏi, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa với bà con nông dân khuyên bảo họ một cách ân cần và thân mật, nên được bà con nồng nhiệt tiếp đón một cách trọng thể và một lòng nghe theo.
Nguồn tơ sống của Xứ Quảng vào thời kỳ ấy dưới thời Chúa Nguyễn quả thật là dồi dào mà Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã đến Hội An vào cuối năm 1624 đã nhìn thấy như vậy và ông đã có nhận xét "Ở Đàng Trong nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”.
Tận mắt nhìn thấy những cánh đồng trồng dâu mênh mông để nuôi tằm lấy tơ sống trên Xứ Quảng mà Giáo sĩ Christoforo Borri đến Cửa Hàn năm 1618 đã viết: "Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều”.
Từ đó, Xứ Quảng sản xuất được nhiều mặt hàng lụa với nhiều kiểu dệt khác nhau, sợi mịn hay thô, mỏng hay dày, trơn hay có hoa văn, nhuộm màu hay không, có chất lượng cao hay thấp, được chia thành nhiều sản phẩm khác nhau: trừu là loại lụa thô và to sợi; lượt là loại lụa thưa và trơn; sa là loại lụa mỏng và trơn; the là loại nhẹ màu sáng; xuyến là loại lụa trơn dày hơn, màu sáng; nhiễu là loại lụa trơn, dày và bền; là là loại lụa dệt bằng tơ nõn với những đường sọc nhỏ cách đều và nhuộm đen; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen;đoạn cũng là loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; vóc là loại lụa bóng mịn, có dệt hoa; văn là loại lụa dày có dệt hoa lớn, chất lượng cao hơn và gấm là loại lụa hoa cao cấp.
Trong sách "Phủ Biên Tạp Lục” Lê Quý Đôn đã đánh giá cao chất lượng lụa của Xứ Quảng và đã viết " Các vóc, sa, lãnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo” và "Người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các thứ the, đoạn, lụa, là hoa hòe tinh xảo chẳng kém gì Quảng Đông”.
Vì vậy, hàng năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) đã chọn lụa của Xứ Quảng để làm tặng phẩm, vật cống cho vua Lê. Về vấn đề này, Lê Quý Đôn đã viết: "Ở Quảng Nam, lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn, huyện Phú Châu nộp thuế hai ngàn ba trăm lẻ năm tấm... Lụa mà Đoàn Quận Công lấy để cống phù thì rộng một thước bảy tấc, dài ba mươi thước, dày như nấm sợi. Phủ Thăng Hoa, thuộc Hóa châu, hàng năm nộp lụa thuế tám trăm lẻ chín tấm, lụa lễ mười một tấm; thuế là để dâng lên (vua) lễ là để biếu quan trên”.
Lịch sử cho thấy dưới thời Chúa Nguyễn, hàng năm tơ sống và các loại lụa của Xứ Quảng và Đàng Trong đã được xuất khẩu cho các nước Đông Nam Châu Á và phương Tây qua cảng thị Hội An tại Hội chợ quốc tế kéo dài từ tháng hai cho đến tháng sáu âm lịch.
Thương cảng Hội An đầu thế kỷ XVIII
Hàng năm, các tàu thuyền của Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan.v.v... đã đến đây để mua tơ sống và các loại lụa; riêng các tàu thuyền của Trung Hoa thường chỉ mua tơ sống. Trong số tàu thuyền nước ngoài đến buôn bán tại cảng thị Hội An trong các thế kỷ XVII – XVIII thì Thuyền Châu Ấn của Nhật Bản đến mua nhiều tơ và lụa nhất. Li Tana viết về vấn đề này rằng: "Người Nhật đến Đàng Trong trước tiên là vì tơ lụa. Họ có thể mua tơ lụa ở đây dễ dàng hơn nơi khác vì tại cảng thị Hội An có một số người Nhật sinh sống và những người Nhật này có thể thu gom tơ sống trước khi tàu của họ tới”.
Theo Nhà nghiên cứu Nhật bản Morimoto Asako, trong một bài viết vào đầu năm 1997 cũng cho biết " Giữa thế kỷ XVI, những trao đổi thương mại giữa Nhật Bản và Đại Việt dựa trên cơ sở chủ yếu là việc nhập khẩu tơ của Đại Việt”.
Tác giả W. M Bush cũng cho biết vào năm 1677 có bốn tàu Nhật Bản nhổ neo từ cảng thị Hội An để chở về Nagasaki nhiều tơ sống và lụa tơ tằm. Cũng theo tác giả đó, năm 1633, đã có hai tàu Hà Lan đến cảng thị Hội An mua về nhiều tơ lụa và năm 1634 một tàu Hà Lan xuất phát từ Batavia đến cảng thị Hội An đã mua tơ lụa nhưng gặp phải nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của người Nhật Bản.
Theo báo Cambridge University Press của Anh từ 1604 – 1635 đã có 124 tàu buôn Nhật Bản cập bến cảng thị Hội An để mua tơ lụa và các mặt hàng khác.
Li Tana cũng cho biết "Từ 1633 – 1637, mỗi năm Hà Lan có hai tàu đến Đàng Trong trong việc mua tơ, nguồn lợi chính của họ, nhưng họ không địch lại nổi với người Nhật Bản”.
Những nương dâu xanh mướt ven sông Thu Bồn
Nói tóm lại, trong những thế kỷ XVII – XVIII, nhờ một vị thế địa lý thuận lợi, nhờ tổ chức một hội chợ quốc tế hàng năm kéo dài nhiều tháng, nhờ một tiềm năng kinh tế nội địa dồi dào, cảng thị Hội An đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương, nối liền phương Đông với phương Tây trong thời kỳ Trung Đại của lịch sử.
***
Chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan rằng sở dĩ nghề tàm tang Xứ Quảng trong các thế kỷ XVII – XVIII dưới thời Chúa Nguyễn đã thực sự ngày càng phát triển và đã tạo ra được những sản phẩm tơ tằm có khối lượng lớn và chất lượng cao, một mặt là nhờ môi trường đất đai màu mỡ, nhân dân cần cù lao động, mặt khác còn nhờ công đức to lớn của một người phụ nữ xinh đẹp là Đoàn Thị Ngọc – Đoàn Quý Phi – Hiếu Chiêu Hoàng Hậu mà nhân dân Xứ Quảng quen gọi với tấm lòng kính mến và ngưỡng mộ là Bà Chúa Tàm Tang, đã hết lòng khuyến khích sự phát triển nghề tàm tang trên quê hương mình. Đúng như câu đối chữ Hán của vua Thành Thái năm thứ sáu, 1894, cúng phụng có nội dung ca ngợi công đức của Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu:
Tấn cung đức hậu phụ quốc phong công truyền Nam Sử
Khai sáng công cao tí dân vĩ tích tráng Đông Châu.
Tạm dịch:
Vào cung đức hậu giúp nước công to truyền Nam Sử
Mở mang công lớn thương dân tích lớn mạnh Đông Châu.
Tags: Lịch sử tơ lụa | Dấu ấn Lụa Việt
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: