Bộ cửa tam quan nội chùa chùa Keo, Thái Bình, được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ đỉnh cao, một minh chứng cho tài năng và sự kỳ công của nghệ nhân Việt Nam xưa. Hai cánh cửa, mỗi cánh cao 2,26m, rộng 1,22m, được ghép thủ công từ 8 phiến gỗ lim bằng kỹ thuật ghép mộng gỗ tinh xảo. Phần chạm khắc không phủ kín bề mặt mà chừa lại diềm trên cả bốn cạnh, tạo nên sự cân đối, hài hòa cho tổng thể tác phẩm.
Nét chạm tinh tế, thổi hồn vào linh vật
Bộ cửa chùa Keo đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2017 và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Những nét chạm sắc sảo, đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc trấn Sơn Nam xưa, kết hợp với đường lượn uyển chuyển, đã thổi hồn vào những linh vật tưởng tượng, khiến chúng hiện lên một cách chân thực và sống động. Kỹ thuật chạm bong, kênh điêu luyện tạo ra hiệu ứng thị giác đa chiều, như có nhiều lớp không gian ẩn chứa trong từng nét chạm. Sự công phu và tay nghề kỹ thuật cao của người thợ được thể hiện rõ nét qua bố cục hài hòa, chặt chẽ của tác phẩm.
Trên cánh cửa, hình ảnh "nhị long hí châu" (đôi rồng đùa giỡn ngọc) được khắc họa tinh tế, ẩn mình giữa rừng mây đao mác và ngọc báu. Đôi rồng mang dáng dấp dũng mãnh, uy quyền, với tạo hình lá đề độc đáo. Sự xuất hiện của rồng con, nghê và các viên ngọc được sắp xếp khéo léo, tạo nên một bố cục chặt chẽ, đẹp mắt, đồng thời thể hiện sự phong phú trong ý nghĩa biểu tượng:
- Rồng: Biểu tượng của quyền lực, sức mạnh, sự thịnh vượng và may mắn.
- Ngọc: Tượng trưng cho sự quý giá, tinh túy, trí tuệ và sự hoàn hảo.
- Mây đao mác: Thể hiện sự uyển chuyển, linh hoạt, sức mạnh tiềm ẩn và vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam.
Không chỉ riêng bộ cánh cửa, toàn bộ kiến trúc gỗ chùa Keo đều được chạm khắc tỉ mỉ, hoa mỹ. Các mảng chạm với những hình tượng rồng, phượng, sư tử, hoa lá... hòa quyện vào nhau, tạo nên một không gian linh thiêng, huyền bí.
Truyền cảm hứng cho nghệ thuật đương đại
Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của bộ tam quan chùa Keo - hiện đã được công nhân là một trong 9 Bảo vật Quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Art Director Minh Phạm của DeSilk đã sáng tạo nên thiết kế Song long chầu nhật - tác phẩm nghệ thuật số trừu tượng, tái hiện mô-típ "song long chầu nhật" bằng một phiên bản phái sinh mới mẻ nhưng vẫn giữ được sự huyền bí, các chi tiết siêu thực trong một bố cục chặt chẽ, đẹp mắt.
- Hình tượng rồng: Được thể hiện qua những hình dạng trừu tượng, toát lên sức mạnh và sự năng động.
- Mặt trời: Được cách điệu bằng hình xoắn ốc và họa tiết ngọn lửa, gợi liên tưởng đến lá bồ đề, kết nối giữa giác ngộ tâm linh và thẩm mỹ hiện đại.
- Màu sắc: Tông màu nâu, be mô phỏng vẻ ngoài của gỗ, tạo nên sự sang trọng, tinh tế.
Đưa một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ 17 của nghệ nhân dân gian thể hiện trên chất liệu lụa tơ tằm mang đến sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa kỹ thuật chạm khắc tinh xảo và khả năng sáng tạo của nghệ thuật kỹ thuật số. DeSilk tỏ lòng kính trọng đối với di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời mang đến một góc nhìn mới mẻ, độc đáo về nghệ thuật truyền thống.
Tác phẩm nằm trong Bộ sưu tập lụa "Khơi dậy tinh hoa - Nối dài di sản" của DeSilk là sự tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt Nam, lấy cảm hứng từ 9 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập không chỉ mang theo vẻ đẹp của các di sản mà còn là một sự hòa quyện khéo léo giữa nghệ thuật truyền thống và thiết kế hiện đại, nhằm mang đến sự sang trọng, tinh tế trên chất liệu lụa cao cấp. |
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: