Cùng tìm hiểu 9 Bảo vật Quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật VN là nguồn cảm hứng cho BST mới của DeSilk
| 28/04/2024DeSilk từ lâu cam kết sứ mệnh giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hoá và thủ công truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua những thiết kế độc đáo. Tầm nhìn này đã dẫn dắt chúng tôi trên hành trình tìm kiếm cảm hứng từ di sản văn hoá của tổ tiên.
Và mới đây, sứ mệnh này càng trở nên đặc biệt hơn khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức chọn DeSilk là đơn vị chịu trách nhiệm chuyển thể vẻ đẹp của 9 Bảo vật Quốc gia hiện đang lưu giữ tại bảo tàng lên lụa tơ tằm Việt Nam trong sự kiện Lương Thì đánh dấu 5 năm thành lập thương hiệu DeSilk.
Nhà sáng lập thương hiệu DeSilk - Văn Hằng và Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Tọa lạc tại 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam xuyên suốt các thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc. Trong số hàng ngàn hiện vật đang được lưu giữ tại đây, có nhiều tác phẩm mỹ thuật là hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo, là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại, đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm thăm quan và chụp ảnh tư liệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phục vụ cho công tác sáng tác
Hãy cùng đồng hành với Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm trong hành trình khám phá và tìm hiểu 9 Bảo vật Quốc gia trở thành nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập mới của DeSilk ra mắt vào quý 3 năm nay.
1. Phật bà Quan Âm, Chùa Hội Hạ, tỉnh Vĩnh Phúc, Thế kỷ XVI, gỗ phủ sơn, 314x215x157(cm)
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013. Ảnh Trần Trung Hiếu.
Đây là một trong những pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng gỗ có phong cách nghệ thuật thời Mạc lớn và đẹp nhất miền Bắc Việt Nam. Đức Quan Âm phát nguyện có ngàn tay ngàn mắt để đem lại an vui, lợi ích cho chúng sinh. Tượng có bố cục chặt chẽ, hài hòa, khối tượng đầy đặn. Đường nét trên gương mặt căng tròn viên mãn, trang phục tượng giản dị, nhưng trang trí trên mũ và bệ tượng rất cầu kỳ, tài khéo. Hai bên thân tượng tỏa ra 42 cánh tay trần tựa những cánh hoa mềm mại, cân đối. Các bàn tay tượng đều cầm pháp khí hoặc kết ấn, nhiều pháp khí nay không còn (ta vẫn có thể kể ra được căn cứ vào 42 thủ nhãn ấn pháp theo chú Đại Bi). Mặt quỷ đội tòa sen gợi nhắc hình ảnh Long thần đưa Đức Quan Âm vượt biển Nam Hải tới Phổ Đà Sơn. Nổi lên trên mặt biển còn có 2 cành sen nhỏ vươn sang hai bên đỡ Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ theo hầu Đức Quan Âm.
2. Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Chùa Mật, tỉnh Thanh Hóa, đầu thế kỷ XVII, gỗ phủ sơn, cao 122cm
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013. Ảnh Trần Trung Hiếu.
Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595-1660) là con gái chúa Trịnh Tráng. Năm 1630, sau khi chồng bà bị tội giam, bà được gả cho vua Lê Thần Tông và tấn phong Hoàng hậu. Sau, bà đi tu, được suy tôn Thánh Thiện Bồ Tát. Tượng thể hiện bà trong trang phục hoàng gia đang ngồi thiền định, đầu đội mũ báu Adiđà Phật (mũ Bồ Tát Quan Âm thường đội), cổ đeo tràng hạt. Gương mặt bà tròn đầy, phúc hậu, diễn tả nét quý tướng theo quan niệm Phật giáo, thể hiện lòng từ bi, trí tuệ, sự kiên định. Tỷ lệ tạo tượng hài hòa gần với người thực, kỹ thuật chạm khắc, sơn thếp cầu kỳ, tinh xảo. Phượng bào Hoàng hậu mặc lúc thiết lễ đại triều được mô tả cặn kẽ, tỉ mỉ, chân thực. Đây là đại diện xuất sắc cho nghệ thuật tạo tượng Hậu Phật Việt Nam.
3. Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Nguyễn Sáng, 1963, sơn mài, 122,3x180cm
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng
(Tố Hữu)
Chín năm sau thiên sử vàng chấn động địa cầu, năm 1963 tại Hà Nội, khúc tráng ca Điện Biên Phủ lại trở về lẫm liệt, ngạo nghễ trên bức tranh sơn mài của họa sỹ Nguyễn Sáng (1923-1988), ghi tên mình vào sự nghiệp vô giá của người họa sỹ tài hoa.
Dưới mưa bom bão đạn gầm gào ở chảo lửa Điện Biên, trong không khí khẩn trương, căng thẳng của chiến sự, một buổi lễ kết nạp Đảng đang diễn ra ngay giữa chiến hào. Trong tranh xuất hiện tám chiến sỹ, bảy người gần như dàn hàng ngang choán hết không gian tiền cảnh - chia làm hai nhóm, phía xa là một chiến sỹ đang hối hả chạy đi. Những chuyển biến nhanh, mạnh, không khí khẩn trương của buổi kết nạp thể hiện qua những chi tiết nhỏ như gương mặt nhớn nhác nhìn thẳng lên bầu trời, canh gác của anh chiến sỹ và xa xa phía sau là cảnh người chiến sỹ đang lao mình vào trận địa, tiếp tục cuộc chiến. Màu nâu đỏ của vách hào và màu vàng sáng của nền đất, nền trời càng làm tăng sự trần trụi, tính bi tráng, khốc liệt của cuộc chiến. Nguyễn sáng ưu tiên lợi thế mảng phẳng của sơn mài. Ông vẽ kiệm màu, vẽ mỏng và ít lớp nhưng nét vẽ khỏe khoắn, khối hình vững chãi. Đó cũng là điểm đặc biệt của hội họa Nguyễn Sáng.
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013. Ảnh tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Có lẽ giấc mơ về chảo lửa Điện Biên vẫn trở về thường trực. Nguyễn Sáng dễ dàng tái cấu trúc ký ức của mình trên tranh. Ông thể hiện đề tài hiện thực xã hội chủ nghĩa bằng lối tạo hình mang tính biểu trưng. Trên một không gian ước lệ, dưới ánh sáng quy ước, những thân thể cường tráng, những gương mặt có tư tưởng, cá tính đã tạo nên một Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ khỏe khoắn và khoáng đạt mà tinh tế.
4. Em Thúy, Trần Văn Cẩn, 1943, sơn dầu, 60,5x45,5cm.
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013. Ảnh tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm Em Thúy của họa sỹ Trần Văn Cẩn (1910-1994) là bức tranh chân dung xuất sắc của hội họa hiện đại Việt Nam. Khác với các tác phẩm chân dung vẽ các thiếu nữ mơ màng, ánh mắt lơ đãng đang nhìn nghiêng hoặc cúi mặt thường thấy ở thể loại tranh chân dung của các họa sỹ giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương nửa đầu thế kỷ 20, Em Thúy gây ấn tượng khác biệt bởi ánh nhìn trực diện, như “đối thoại” với người xem. Em bé gái khoảng 8 tuổi, đôi mắt đen láy mở to không chút ngờ vực, chiếc mũi bé xinh, đôi môi mọng chúm chím, cặp má bầu bĩnh, mái tóc rẽ lệch ngôi. Một túm tóc nhỏ đã vén ra sau tai nhưng còn vương lại, khẽ chạm vào cổ áo. Cô bé ngồi lệch sang trái tranh, hai tay nắm lại để trên đùi hơi có vẻ rụt rè nhưng ánh mắt sáng trong toát ra nét thơ ngây, hồn nhiên. Những đường cong duyên dáng màu nâu đậm của chiếc ghế mây kéo lại thế cân bằng cho bố cục tranh. Bộ quần áo sáng màu hài hòa với bức tường màu vàng nhạt phía sau và chiếc ghi-đô hoa sáng màu điểm những vệt đỏ hồng tươi, trắng phớt. Vẻ đẹp trong sáng, khoảng lặng bình yên trong đôi mắt, trên gương mặt trẻ thơ làm dịu mát tâm hồn người đối diện. Bức tranh có bố cục giản dị nhưng để lại rung cảm cho người xem.
5. Hai thiếu nữ và em bé, Tô Ngọc Vân, 1944, sơn dầu, 100,2x75cm.
Phù dung sớm nở tối tàn
Đến đi một thoáng vội vàng đời hoa
(Dung Nguyên)
Tô Ngọc Vân (1906-1954) thuộc thế hệ họa sỹ tài năng hàng đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông là một trong những người đặt nền móng và có nhiều công phu xây đắp cho nền mỹ thuật hiện đại non trẻ này. Tiếc rằng cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông quá ngắn ngủi. Ông hi sinh khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sự nghiệp nghệ thuật của Tô Ngọc Vân chia làm hai giai đoạn, trước cách mạng tháng Tám ông vẽ nhiều tranh thiếu nữ thành thị và tranh phong cảnh; sau cách mạng tháng Tám ông hòa mình vào đời sống nhân dân lao động và chuyên chú vẽ tranh về họ. Ngay từ khi còn học Trường Mỹ thuật Đông Dương, Tô Ngọc Vân đã nổi tiếng về khả năng sử dụng thành thục chất liệu sơn dầu và bảng màu ngọt ngào, lãng mạn. Ông đã tạo được lối đi riêng và thành công nhất ở thể loại tranh chân dung vẽ thiếu nữ thành thị. Giai đoạn 1939-1943, Tô Ngọc Vân để hết tâm hồn say sưa trong việc vẽ người phụ nữ. Tác phẩm Hai thiếu nữ và em bé là một trong những tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn nghệ thuật này. Bức tranh diễn tả chân thực một góc đời sống xã hội Hà Nội những năm 30-40 của thế kỷ 20.
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013. Ảnh tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Dưới hiên nhà một gia đình tiểu tư sản thành thị, hai thiếu phụ đang ngồi tâm sự, cạnh đó là đứa bé trai đang lủi thủi chơi một mình. Ba nhân vật, mỗi người nhìn theo một hướng khác nhau. Không gian như ngừng lại ở một khoảnh khắc mà dường như khi đó, chẳng có mối liên hệ nào giữa họ.
Bố cục tam giác của ba nhân vật trong tranh là dạng bố cục cổ điển được Tô Ngọc Vân thể hiện một cách duyên dáng đến kỳ lạ. Lối vẽ màu phẳng, không vờn, ông chú trọng tinh thần sáng tạo hơn là tả chân dáng nhân vật. Những đường thẳng, đường cong trong tranh đều mạch lạc, bay bướm. Tranh mang vẻ đẹp dịu dàng. Màu vàng đất pha chút sắc cam ấm là màu chủ đạo kết hợp hài hòa với màu trắng, hồng phớt, xanh lục và hồng cánh sen tả được những sự rạo rực, xao xuyến trong tâm hồn; cảnh buồn mà vẫn có nét tươi vui.
6. Cánh cửa chạm rồng, Chùa Keo, tỉnh Thái Bình, Thế kỷ XVII, gỗ, 226x244x7cm
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2017. Ảnh Trần Trung Hiếu.
Đây là bộ cửa tam quan nội chùa Keo ở Vũ Thư, Thái Bình. Lối chạm khắc, trang trí cửa đền, chùa, đình, miếu theo hình thức này là đặc trưng ở trấn Sơn Nam xưa (phía nam kinh thành Thăng Long). Trong đó, bộ cánh cửa chùa Keo là bộ cửa đẹp, lớn nhất. Bộ cửa được ghép từ nhiều tấm gỗ, trên đó chạm khắc đôi rồng ngậm ngọc chầu mặt trời. Đôi rồng tạo hình lá đề ẩn mình giữa rừng mây đao mác và ngọc báu; sau đuôi và dưới bụng mỗi con rồng lớn là một con rồng, nghê nhỏ đang hướng đầu lên. Kỹ thuật chạm bong, kênh được sử dụng tài khéo gợi chiều sâu không gian. Sự chuyển động ấn tượng của các đao mác vút ra từ đầu, lưng, thân, khuỷu chân rồng cùng với dáng vận động tích cực của các con vật tạo nên một hoạt cảnh sống động.
Vẻ đẹp của cánh cửa đã được Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm tái hiện trong thiết kế Chùa Keo thuộc Bộ sưu tập Nghề thủ công truyền thống 2021
7. Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, Dương Bích Liên, 1980, sơn mài, 100x180cm
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2017. Ảnh tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Với bút pháp phóng khoáng, dạt dào đầy cảm xúc, Dương Bích Liên (1924-1988) dựng lên một không gian núi rừng Việt Bắc hùng vĩ. Bác Hồ cùng con ngựa núi đang chuẩn bị qua suối, ngựa đóng yên, người đang vỗ về trìu mến. Người và ngựa hòa trong sắc vàng óc của đất trời, dòng nước và những tảng đá bên bờ suối. Nhân vật chính của tác phẩm được đặt ở vị trí 1/3 bên phải tranh. Không gian mênh mông của núi rừng, của đất, của trời được thể hiện cô đọng lại ở hai mảng màu chính là vàng và xanh lục đậm, gần như chia đôi tranh. Cái xao xác của núi rừng, của dòng nước cuộn chảy, của những rệ cỏ, tảng đá, mô đất ven suối, của những mảng mây vàng sáng phía xa được thể hiện hết sức sinh động. Con người làm chủ thiên nhiên mà không cần gồng mình chống đỡ khoảng không vô cùng bao bọc; cử chỉ âu yếm, vỗ về của Bác với con ngựa cho người xem một cảm thức sâu xa về tấm lòng nhân hậu của vị cha già dân tộc. Các mảng đậm nhạt, không gian xa - gần tạo được nhiều lớp lang mà không gây cảm giác vụn vặt. Năm 1952, Dương Bích Liên được cử lên Việt Bắc, đến đại bản doanh của cách mạng để vẽ bác Hồ. Những ngày tháng được sống cạnh Bác ở chiến khu Việt Bắc cho phép Dương Bích Liên ghi chép nhiều ký họa về sinh hoạt ngày thường của Người. Chính nhờ sự tiếp xúc gần gũi với Bác mà Dương Bích Liên đã tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật mang nhiều cảm xúc, tình yêu với lãnh tụ, cách mạng, với các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam. Tác phẩm giàu chất hiện thực lãng mạn, thể hiện được vẻ đẹp của con người, thiên nhiên Việt Nam bằng bút pháp tinh tế. Bảo tàng Mỹ thuật đã mua tác phẩm này tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980.
8. Bình phong, Nguyễn Gia Trí, 1939, sơn mài, 155,5x400cm (gồm 8 tấm ghép lại)
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2017. Ảnh tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là họa sỹ tiên phong, cũng là người đưa sơn mài lên vị thế cao quý trong hội họa hiện đại Việt Nam. Trên con đường dần từ bỏ phối cảnh, bỏ cách bắt chước sự vật thật, bỏ đề tài để tìm đến lối vẽ trừu tượng, Bình phong đánh dấu thời kỳ đầu của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí, giai đoạn mà ông đánh giá là “chưa có kinh nghiệm” (Nguyễn Gia Trí trò chuyện với cán bộ nghiên cứu Bảo tàng Mỹ thuật năm 1976 tại nhà riêng). Bình phong được Nguyễn Gia Trí thực hiện cho Dinh Bảo Đại ở số 2 Đà Lạt. Đến năm 1978, tác phẩm được chuyển về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tranh 8 tấm, vẽ trên hai mặt. Một mặt thể hiện cảnh thiếu nữ trong vườn. Mặt còn lại của bình phong thể hiện phong cảnh vườn cây với những dọc mùng, khóm chuối, bụi tre… Ở mặt tranh thể hiện các thiếu nữ, khu vườn rực rỡ sắc vàng, với những khóm chuối, bụi phù dung, cụm hồng bạch, mẫu đơn trắng đều đang nở hoa hay đang ở độ thanh tân rực rỡ nhất. Ở ngay tiền cảnh, giữa tranh là hình ảnh người phụ nữ luống tuổi bên ấm trà. Bà đang tựa tay trên gối thảnh thơi, vẻ tư lự như đang hồi tưởng lại những ngày xuân sắc đã qua. Góc phải tranh ở phía xa là đôi bé gái đang chạy đuổi nhau như chơi trò trốn tìm; góc trái tranh lại là nhóm ba cô thiếu nữ - ba vẻ đẹp xuân sắc đương thì đang dạo bước qua bụi chuối và ngay phía sau người phụ nữ luống tuổi là một thiếu phụ tóc vấn cao đang ưu tư ngồi dưới gốc phù dung. Bằng nghệ thuật đồng hiện, những mảnh ghép cuộc đời người phụ nữ (tuổi thơ ngây, lúc đương thì con gái, lúc lập gia thất, khi về già) hiện ra sinh động trong khu vườn trần thế. Có thể thấy, đây là giai đoạn mà Nguyễn Gia Trí vẫn đang chủ tâm diễn tả các sắc độ của con người, cây cối, dáng điệu, trang phục một cách chân thực. Bằng tài năng xuất chúng, Nguyễn Gia Trí đã khiến con người, cảnh vật trên bức Bình phong đạt tới vẻ đẹp rất thực, rất sống động, tự nhiên, tươi mới trên nền cảnh lộng lẫy vàng son - vốn là đặc thù cố hữu của sơn mài. Ngôn ngữ tạo hình phương tây hiện đại kết hợp với cách thể hiện đề tài mang tính ẩn dụ và bố cục đồng hiện của nghệ thuật Á đông tạo nên nét riêng độc đáo, đậm tính dân tộc của tác phẩm.
9. Gióng, Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016), 1990, sơn mài, 90x120,3cm
Cùng với Điệu múa cổ, Kiều và 12 con giáp, Gióng là một trong những chủ đề được Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện nhiều. Một trong số những tác phẩm thể hiện Gióng xuất sắc nhất là tác phẩm đạt giải nhất tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1990. Bảo tàng Mỹ thuật đã mua Gióng ngay tại triển lãm này.
Tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2017. Ảnh tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tranh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm vừa đậm chất dân tộc vừa mang tính hiện đại. Thể hiện nhân vật trong huyền sử, Nguyễn Tư Nghiêm dẫn dắt người xem về thế giới cổ xưa. Hình tượng Gióng trong trang phục thường thấy ở các nhân vật thuộc nghệ thuật Đông Sơn cởi trần, đeo tấm chắn ngực, phần thân dưới bên ngoài lớp khố là chồng lớp những xẻ vạt trước sau. Người anh hùng cưỡi ngựa với sức mạnh thần kỳ nhưng dưới con mắt Nguyễn Tư Nghiêm lại trở nên hết sức bay bổng, lãng mạn. Trang phục màu vàng nhạt, điểm các sắc ghi ánh cam, trắng… hòa cùng với sắc ghi xám bạc của con ngựa sắt tạo thành một mảng sắc trung gian điềm tĩnh trên nền son nhạt nóng ấm. Các vệt, chấm đỏ, vệt đen sậm như tia chớp ẩn hiện, khéo léo lồng phía trước và sau tranh làm chặt bố cục và tách đối tượng ngựa và Gióng bật khỏi nền. Hình khối không còn lặng lẽ trong những đường viền mà chuyển động, xô đẩy. Những nét trong tranh được lắp dựng từ hình kỷ hà gãy gọn khúc chiết, nét vẽ to khỏe. Đó là dấu ấn của nghệ thuật đình làng trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm. Năm 1972, bộ sưu tập điêu khắc gỗ dân gian đình làng của Bảo tàng Mỹ thuật được giới thiệu, Nguyễn Tư Nghiêm như được chắp cánh, trở về với đúng bản tính dân tộc mà ông theo đuổi. Nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện cái nhìn chính xác, táo bạo, giản dị, khái quát và biến ảo.
Cùng chờ đón 9 Bảo vật Quốc gia sẽ được Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm của DeSilk truyền tải lên lụa, trở thành những tác phẩm tôn vinh mỹ thuật cũng như tơ tằm truyền thống Việt Nam!
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: