Trải qua hàng nghìn năm, từ thời vua Hùng, dân ta đã biết trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Qua đôi tay khéo léo, những tấm lụa tơ tằm mềm mượt được dệt nên từ sự chăm chút, kiên nhẫn, tỉ mỉ, óc thẩm mỹ tuyệt vời của những dân làng vốn vẫn âm thầm một nắng hai sương với cây dâu, con tằm, để rồi nối tiếp qua bao đời, tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của người Việt.
Dù bạn là người yêu thích thời trang hay đơn giản là muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Việt, hãy cùng DeSilk khám phá những loại vải dệt từ tơ tằm truyền thống, mỗi loại mang một câu chuyện và nét đẹp riêng.
Gấm
Đô Lương dệt gấm thêu hoa,
Quỳnh Lưu tơ lụa để mà sánh đôi
Gấm, với sự dày dặn và họa tiết rực rỡ, xứng đáng là "nữ hoàng" trong thế giới lụa Việt. Gấm là loại vải dệt rất dày với các họa tiết đủ màu. Các sợi tơ dệt gấm được nhuộm màu trước, sau đó mới cho vào dệt. Khi dệt, sợi dọc tạo nền chìm, sợi ngang tạo hoa nổi, kết hợp lại thành những hoa văn nổi bật, sống động, thay đổi sắc độ theo từng góc nhìn mang lại vẻ đẹp trang nhã và cuốn hút.
Thời phong kiến, gấm thường được dùng may lễ phục cho những người thuộc hoàng gia và tầng lớp quan lại.
Đoạn
Sử liệu cũ ghi rằng: “Năm 1156, vua Lý Anh Tông đã tặng vua Tống Cao Tông 850 tấm đoạn màu vàng thắm có hoa rồng cuốn”
Đoạn là một cái tên mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đoạn có mật độ dệt thưa hơn so với gấm, sợi dọc và sợi ngang đều nhau, tạo nên bề mặt vải mềm mại, ít bóng bẩy hơn gấm nhưng vẫn giữ được nét sang trọng, tinh tế. Khi dệt đoạn, có lúc, người ta chập tám sợi tơ với nhau thành một sợi, loại đoạn đó gọi là đoạn bát ti rất dày dặn, chắc chắn và vô cùng quý giá. Nhờ mật độ dệt dày, đoạn bát ti khả năng giữ nhiệt tốt, mang lại cảm giác ấm áp cho người mặc, đặc biệt là trong mùa đông.
Lĩnh/Lãnh
Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần.
Lĩnh hay lãnh có mật độ dệt thưa hơn so với đoạn. Khi dệt, các sợi dọc sẽ được giữ cố định trên khung cửi và sợi ngang sẽ được luồn lên xuống sợi dọc. Kỹ thuật này khiến cho mặt trên có nhiều sợi ngang song song, do đó bề mặt trên lãnh sẽ láng bóng còn mặt dưới thô và mờ hơn.
Lụa
Lụa này thật lụa Cổ Đô
Chính tông lụa cống các cô ưa dùng
Trong thế giới lụa tơ tằm Việt Nam, lụa chính là cái tên quen thuộc và gần gũi nhất, gắn liền với hình ảnh những tà áo dài thướt tha, những chiếc khăn choàng duyên dáng. Lụa được tạo ra từ những sợi tơ tằm đan lóng mót lên lụa cũng có hai mặt, phía trên bóng, phía dưới mờ. Tuỳ vào cách bố trí sợi mà có loại lụa trơn và loại lụa có hoa văn. Lụa có đặc tính là nhẹ, mềm và độ đàn hồi tốt, mang đến cảm giác thoải mái khi mặc. Lãnh Mỹ A của thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nổi tiếng trong và ngoài nước với màu đen tuyền đặc trưng, được nhuộm tự nhiên từ trái mặc nưa, mang lại vẻ đẹp huyền bí, sang trọng và độc đáo.
Sa
Sa là loại vải thưa, thường dệt bằng tơ mỏng cùng màu không xen chỉ màu khác có tính thấu quang, mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thoáng mát khi mặc. Sự khác nhau trong cách bố trí các sợi dọc, sợi ngang tạo nên tính đa dạng của sản phẩm, từ sa trơn (sa nam) đến các loại sa dệt hoa văn như vân sa, quế sa.
The
The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.
Làng lụa La Khê (Hà Đông) từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống, đặc biệt là the.
Sản phẩm dệt the La Khê, bền đẹp khác với các sản phẩm tơ tằm của các nơi khác là nhờ công nghệ dệt có bộ go võng. Nhờ thế, sợi dọc mỗi hàng được đan vặn xoắn lại, giúp mặt hàng thưa, thoáng, mát nhưng rất chặt, mặt the không bị xô rạn. The của Làng La Khê có đặc điểm là đều dệt thủng (nghĩa là trên mặt vải đều có những lỗ thủng rất đẹp). The La Khê được ưa chuộng bởi chất lượng tốt, hoa văn dệt tinh xảo, nhã nhặn, mang đậm nét đẹp văn hóa của vùng đất kinh kỳ.
Đũi
Lụa Nga Khê, đũi Chi Long
Hương nan Nam Xá, trầu không Đại Hoàng
Đũi được dệt từ những sợi tơ tằm thô, chưa qua xử lý hoàn toàn, giữ lại một phần sericin tự nhiên, tạo nên bề mặt vải hơi giống vải bố nhưng mềm mại hơn và mang một vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi. Đũi có kết cấu sợi thưa, tạo nên chất liệu mỏng nhẹ, thoáng khí, giúp thoát mồ hôi nhanh chóng, mang lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu khi mặc, đặc biệt là trong thời tiết nóng ẩm. Đũi thường có màu sắc tự nhiên của tơ tằm, như trắng ngà, vàng nhạt, nâu nhạt...
DeSilk: Gìn Giữ Tinh Hoa Lụa Việt
Tại DeSilk, chúng tôi tự hào là một phần trong hành trình gìn giữ và phát huy tinh hoa lụa tơ tằm Việt Nam. Bằng sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại, chúng tôi mang đến những sản phẩm lụa chất lượng cao, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa của dân tộc.
Mời bạn đến với DeSilk để khám phá thế giới lụa tơ tằm đầy màu sắc và tìm cho mình những sản phẩm ưng ý nhất. Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để giúp bạn hiểu rõ hơn về chất liệu tuyệt vời này.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: