Bức tranh sơn mài "Gióng" (1990) của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, một bảo vật quốc gia, đã khắc họa thành công hình tượng người anh hùng dân tộc với vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại. Nay, DeSilk tiếp nối câu chuyện ấy, tái hiện hình tượng Gióng trên nền lụa tơ tằm với thiết kế Huyền Thoại, khơi dậy tinh hoa di sản và thổi hồn vào những sáng tạo đương đại.
Nguyễn Tư Nghiêm - Họa sĩ của những gam màu dân tộc
Nguyễn Tư Nghiêm (1918 - 2016) là một trong những tên tuổi lừng lẫy của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông thuộc thế hệ thứ hai của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tài năng đã được xếp trong nhóm tứ trụ thứ hai của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”. Tuy nhiên, Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ đơn thuần kế thừa những kỹ thuật từ trường lớp, mà còn sáng tạo nên một phong cách độc đáo, kết hợp giữa tinh hoa truyền thống và ngôn ngữ tạo hình hiện đại, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, Nguyễn Tư Nghiêm sớm tiếp xúc với văn hóa dân gian và những giá trị truyền thống. Tình yêu quê hương, đất nước và niềm đam mê với nghệ thuật đã thôi thúc ông tìm kiếm một ngôn ngữ hội họa riêng, mang đậm bản sắc dân tộc.
Sau năm 1954, Nguyễn Tư Nghiêm có nhiều chuyến đi thực tế khắp các tỉnh miền Bắc, từ vùng núi đến đồng bằng, từ làng quê đến phố thị. Ông say mê nghiên cứu, ghi chép và sưu tầm những nét đẹp của nghệ thuật dân gian, từ tranh Đông Hồ, chạm khắc đình làng đến các họa tiết trên trống đồng Đông Sơn. Chính những trải nghiệm thực tế này đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của ông, giúp ông hình thành một phong cách sáng tác độc đáo, gắn bó với văn hóa dân tộc.
Nguyễn Tư Nghiêm vẽ trên nhiều chất liệu. Những tác phẩm nổi bật của ông có thể kể: Người gác Văn Miếu (giải nhất Salon Unique năm 1944); Cổng làng Mông Phụ; Đánh cờ dưới bóng tre; Trạm gác (1948); Con nghé quả thực (1957); Xuân Hồ Gươm (1957); Nông dân đấu tranh chống thuế (1960);... Những nhóm đề tài: Điệu múa cổ; Gióng; Mười hai con giáp; Kim Vân Kiều được Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện nhiều và rất thành công.
Thánh Gióng - Hồn thiêng dân tộc trong tranh sơn mài
Thánh Gióng, một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, là biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, sức mạnh và tinh thần quật cường của dân tộc. Hình ảnh người anh hùng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt đánh đuổi giặc Ân đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt, trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật.
Trong tranh sơn mài "Gióng", họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã thổi hồn vào huyền thoại bằng nét vẽ tài hoa, tạo nên một tác phẩm hội họa vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang hơi thở hiện đại.
Thể hiện nhân vật trong huyền sử, Nguyễn Tư Nghiêm dẫn dắt người xem về thế giới cổ xưa. Hình tượng Gióng được khắc họa trong trang phục thường thấy ở các nhân vật thuộc nghệ thuật Đông Sơn: cởi trần, đeo tấm chắn ngực, đóng khố. Người anh hùng cưỡi ngựa với sức mạnh thần kỳ, nhưng dưới con mắt Nguyễn Tư Nghiêm lại trở nên hết sức bay bổng, lãng mạn. Trang phục màu vàng nhạt, điểm các sắc ghi ánh cam, trắng... hòa cùng với sắc ghi xám bạc của con ngựa sắt tạo thành một mảng sắc trung gian điềm tĩnh trên nền son nhạt nóng ấm. Các mảng, vệt màu đỏ, màu đen sậm như tia chớp ẩn hiện, khéo léo lồng phía trước và sau con ngựa làm chặt bố cục, tách đối tượng ngựa và Gióng bật khỏi lớp nền phẳng. Hình khối không còn lặng lẽ trong những đường viền mà chồng lớp, chuyển động. Ngôn ngữ tạo hình gần với nghệ thuật Lập thể. Màu sắc trong tranh giản dị. Nguyễn Tư Nghiêm chủ yếu sử dụng vàng, bạc trên nền son và then. Ông không phô diễn quá nhiều kỹ thuật mà tập trung vào yếu tố tạo hình.
Nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện cái nhìn chính xác, táo bạo, giản dị, khái quát và biến ảo. Ở tranh Gióng, họa sĩ sử dụng nhiều mảng phẳng như: nền, bóng ngựa chuyển động kết hợp với các họa tiết trang trí ở nhân vật chính. Những nét vẽ to khỏe trong tranh được kết nối từ những hình kỷ hà gãy gọn khúc chiết. Đó là dấu ấn của nghệ thuật Đông Sơn và nghệ thuật đình làng trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm.
Gióng trên lụa tơ tằm - Nối dài di sản
Lấy cảm hứng từ bức tranh sơn mài "Gióng", DeSilk đã tái hiện hình tượng người anh hùng huyền thoại này trên nền lụa tơ tằm cao cấp với ba phiên bản màu, kết hợp giữa di sản văn hóa và tinh thần sáng tạo đương đại.
Với ngôn ngữ thiết kế mang đậm tính hiện đại phương Tây, Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm - Người kể chuyện bằng lụa - đã thổi hồn vào tác phẩm Gióng trên lụa, khai thác những chi tiết độc đáo và sự đối xứng để khắc họa sức mạnh, khí phách của người anh hùng. Họa tiết zigzag và vòng tròn đồng tâm, biểu tượng của văn hóa Việt Nam cổ đại, được khéo léo lồng ghép vào trang phục của Gióng, tạo nên sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, với phần trên để trần, tôn lên sức mạnh và sự kiên cường của người anh hùng. Ánh sáng và màu sắc được sử dụng một cách tài tình, tạo nên những đường nét mạnh mẽ, như tia chớp, khắc họa sự chuyển động mãnh liệt của Gióng và con ngựa trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước.
Phiên bản phái sinh Gióng trên lụa là một thiết kế mang vẻ đẹp vượt thời gian và là biểu tượng của sức sống mãnh liệt và tinh thần sáng tạo trong nghệ thuật Việt Nam.
Gióng là một phần trong Bộ sưu tập “Khơi dậy tinh hoa - Nối dài di sản” mới nhất của DeSilk, nơi văn hóa và nghệ thuật Việt Nam hòa quyện cùng những sáng tạo đương đại.
Gióng trên lụa DeSilk không chỉ là một thiết kế thời trang mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. DeSilk mong muốn góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời mang đến cho khách hàng những sản phẩm độc đáo, tinh tế và giàu ý nghĩa.
Tác phẩm nằm trong Bộ sưu tập lụa "Khơi dậy tinh hoa - Nối dài di sản" của DeSilk là sự tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt Nam, lấy cảm hứng từ 9 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập không chỉ mang theo vẻ đẹp của các di sản mà còn là một sự hòa quyện khéo léo giữa nghệ thuật truyền thống và thiết kế hiện đại, nhằm mang đến sự sang trọng, tinh tế trên chất liệu lụa cao cấp. |
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: