Chùa Tây Phương xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với bộ tượng Thập Bát La Hán - 18 Vị La Hán được tạc cách đây 300 năm dưới thời Tây Sơn. Bộ tượng được các nhà nghiên cứu đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình, giàu cảm xúc và sống động, kiệt tác nghệ thuật mang đậm hồn cốt Việt.
Bộ tượng 18 Vị La Hán chùa Tây Phương
Dưới bàn tay tạo tác tài ba của các nghệ nhân dân gian đến từ làng mộc Chàng Sơn, thần thái của 18 Vị La hán được lột tả qua ánh mắt, nét mặt, lông mày. Cho đến nay, người dân Chàng Sơn không ai biết nghề mộc có từ khi nào, chỉ biết rằng theo truyền thuyết nghề có từ thời vua Hùng dựng nước. Trải qua hàng nghìn năm, người dân Chàng Sơn vẫn giữ nghề và đưa nghề ngày càng phát triển.
Bộ tượng 18 Vị La Hán chùa Tây Phương được coi là tinh hoa của những người thợ mộc làng Chàng Sơn. Tượng không ở thế tĩnh mà được tạc ở các thế đứng, ngồi khác nhau với những đường nét, hình khối, dáng điệu vô cùng sinh động. Tất cả đều toát lên sự đồng cảm, gần gũi giữa đức Phật với cuộc sống đời thường.
Trải qua thời gian, các bức tượng dần lão hoá, lớp sơn thếp rực rỡ ngày nào dần phôi pha, đôi chỗ còn bong tróc, Nhưng giống như lớp bồi của lịch sử, tượng toát lên vẻ trang nghiêm sâu sắc của chứng nhân đã chứng kiến những đổi thay trong suốt 3 thế kỷ đầy biến động càng khiến cho người ta thêm kính nể, thán phục.
Tôn Giả Ca Diếp |
Tôn Giả A Nan |
Thương Na Hòa Tu |
Ưu Bà Cúc Đa |
Đề Đa Ca |
Di Giá Ca |
Bà Tu Mật |
Phật Đà Nan Đề |
Phật Đà Mật Đa |
Hiệp Tôn Giả |
Mã Minh |
Ca Tỳ Ma La |
Long Thụ |
La Hầu La Đa |
Tăng Già Nan Đề |
Già Đa Xá Đa |
Cưu Ma La Đa |
Xa Đạ Đa |
Ngày 14/01/2015 Thủ Tướng Chính Phủ công nhận bộ tượng 18 Vị La Hán chùa Tây Phương là bảo vật quốc gia tại quyết định số 53/QĐ-TTG.
Vẻ đẹp thâm trầm, độc đáo của tượng cũng đã được Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm khai thác và đưa lên lụa trong thiết kế 18 Vị La hán thuộc bộ sưu tập Nghề Thủ công Truyền thống của DeSilk như một cách tôn vinh nghệ thuật sơn thếp của của người Việt
Bí ẩn nghệ thuật tượng sơn thếp
(Nghiên cứu của họa sĩ Phan Cẩm Thượng)
Từ thế kỷ 16 trở đi, ít có đền chùa nào không sử dụng tượng đất và gỗ sơn son thếp vàng. Việc sơn thếp tượng cho phép người ta chuyển hẳn lối làm tượng hoàn chỉnh từ một chất liệu, như tượng đá, sang lối làm tượng lắp ghép nhiều phần, đục đẽo thô, đắp sửa bằng đất hoặc gỗ, rồi sơn thếp ra ngoài.
Quá trình sơn thếp không khác lắm so với những họa sỹ Trường Mỹ thuật Đông Dương làm tranh sơn mài bằng sơn ta truyền thống. Kỹ thuật mài thực ra cũng được sử dụng trong quá trình làm tượng.
Thoạt tiên đẽo từng phần pho tượng gỗ, có thể phân chia các khối đầu, thân, chân và tay (trong tượng ngồi) rồi lắp ráp có mộng vào với nhau. Đây mới là những khối hình học cơ bản, chưa có đường nét chi tiết, sau đó hom bó bằng đất phù sa, mùn cưa trộn với sơn ta thành một cái cốt tượng, như là tấm vóc làm tranh sơn mài.
Đến quá trình này người ta bắt đầu làm các chi tiết mặt mũi, áo quần, hoa văn bằng đất trộn sơn, như một pho tượng hoàn chỉnh, chưa sơn thếp, rồi sau đó tiến hành sơn cánh gián cầm, dán vàng bạc cẩn thận “đông đặc” sau đó (nhuộm phẩm mầu một số chi tiết, trên áo quần hoa văn…), mài nhẵn, rồi quang ra ngoài một lớp sơn bóng (được pha trộn giữa sơn ta và dầu chẩu).
Thiết kế 18 Vị La Hán với ba phiên bản màu: vàng, đỏ và tím thuộc bộ sưu tập Nghề Thủ công Truyền thống của DeSilk như một cách tôn vinh nghệ thuật sơn thếp của của người Việt
Những tượng này khi làm xong cũng chưa đẹp ngay, do lớp sơn cánh gián nâu còn dầy, bề mặt tượng chưa trong, nhưng dần dần qua tháng năm càng ngày nước sơn càng thắm đượm, độ bóng căng và trầm sâu nhấn mạnh tính trầm tư mặc tưởng của một pho tượng Phật linh thiêng. Lớp vàng bạc lót phía dưới lớp sơn cánh gián làm cho mầu sắc bên trên thêm sáng nhưng trầm.
Nghệ thuật này được gọi là tô tượng, xưa kia điêu khắc gọi là “điêu tô”: “Điêu” là khắc xuống, đục đi, “tô” là đắp lên vẽ lên. “Tô” vẽ là khâu quan trọng bậc nhất, pho tượng có đẹp hay không là nhờ khâu này, nên thường do các nghệ nhân cao tay thực hiện.
Khi trùng tu tượng, người ta không cạo lớp sơn cũ, mà cứ chồng lên lớp sơn mới với lượt thếp vàng mới; càng sơn thếp nhiều lớp tượng càng có vẻ đẹp mỹ mãn, và trầm sâu khó tả.
Đến nay, dù khoa học kỹ thuật đã phát triển rất hiện đại, nhưng rất nhiều bí mật trong nghệ thuật chế tác, tạo ra lớp sơn thếp giống hệt như các nghệ nhân xưa đã làm vẫn là một điều bất khả thi.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: