Bà là công chúa con vua Lý Thần tông. Nhờ có bà mà dấu ấn trại Tàm Tang lưu danh trong lịch sử. Nay là địa danh Nghi Tàm vốn một bán đảo ven Hồ Tây với nhiều truyền thuyết và được sử sách ghi lại là vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long với nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Nguồn gốc cái tên Nghi Tàm
Chùa Kim Liên bên Hồ Tây, một di tích của làng Nghi Tàm xưa. Ảnh: Tư liệu
Theo cuốn “Hà Nội nghìn xưa” của tác giả Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán thì làng Nghi Tàm xưa kia “ngàn dâu xanh ngắt một màu” chạy suốt bờ đê. Có lẽ vì vậy mà vùng đất này có tên gọi là Nghi Tàm. Chữ Nghi nghĩa là sự thích hợp và chữ Tàm nghĩa là “Tằm”. Ý muốn nói đến vùng đất có sự thích nghi với sinh trưởng của con tằm, luôn sinh sôi và cần mẫn nhả tơ. Cái tên Làng Nghi Tàm hình thành cũng là từ nghĩa ấy. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ về sự hình thành làng cổ Nghi Tàm:
"Làng Nghi Tàm cũng là một roi đất ăn ra, đất rất đẹp mặc dù roi đất không lớn, nhưng Nghi Tàm cũng là một cái tên làng cổ, có từ thời Lý mà cái tên này thì cũng là do các vua Lý đặt ra, gọi là trại Tầm Tang, có xuất xứ từ công chúa Từ Hoa, là con gái của vua Lý Thần Tông mới xin vua cha ra lập trại tằm tang để trồng dâu nuôi tằm ở đó. Vì thế vùng đất này đầu tiên ở thời Lý có tên là trại tầm tang, đến đời Trần đổi thành làng Tích Ma, đến đời Lê đổi lại là làng Nghi Tầm. Nhưng vì chữ Tầm lại giống chuyện của công chúa Từ Hoa nên đổi thành Nghi Tàm.
Nàng công chúa phát triển nghề tằm tang đất kinh kỳ
Tương truyền công chúa Từ Hoa rất hiền hậu dịu dàng, đặc biệt thích nuôi tằm dệt lụa. Sử sách truyền rằng, vào năm 1040, vua Lý Thái Tông sai đón thợ vào hoàng thành dạy cung nữ dệt gấm vóc và xuống chiếu phát hết gấm vóc mua của nhà Tống ở trong kho cho quần thần, để tỏ ý hoàng tộc sẽ dùng hàng quốc nội, không dùng gấm vóc của Trung Quốc nữa, mục đích đề cao nền tự chủ của Đại Việt. Từ đó người trong kinh đua nhau dùng vải lụa trong nước khiến nghề dệt ở kinh đô phát triển mạnh.
Theo dòng lịch sử, thủ công nghiệp thời Lý đã phát triển với nghề trồng dâu nuôi tằm. Nữ nhân thời này phải học nghề nuôi tằm, ươm tơ, xe sợi, dệt lụa. Ngay trong cung điện, nhà vua mời các nghệ nhân về dạy cho cung nữ trong cung nghề tằm tang, thêu hoa, dệt gấm.
Công chúa Từ Hoa là con vua Lý Thần Tông. Công chúa ở trong cung, cũng học nghề lụa như bao cung nữ khác. Nhờ cần mẫn, tay nghề của nàng càng có tiếng, không thua kém bất kỳ một nghệ nhân nào.
Một mùa xuân nọ, lúc đi du ngoạn nên ngoài công chúa cùng vài cung nữ đi đến một nơi có phong cảnh đẹp ở phía đông hồ Dâm Đàm, tức hồ Tây ngày nay. Giữa ngày đông tháng giá, nàng công chúa đa cảm say sưa ngắm những làn khói mỏng từ mặt hồ bay lên. Thấy dân cực khổ, công chúa về hoàng cung tâu vua cha cho ra nơi ấy giúp dân mở trang trại trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Vì sợ con gái mình cực khổ, ban đầu vua Lý Thần Tông không nghe, nhưng trước tấm lòng nhân hậu thương dân cùng quyết tâm mở trại dệt của công chúa, vua cha đã chuẩn tấu.
Cung Từ Hoa, nơi công chúa sống, đến thời Trần được xây thành chùa Kim Liên – một danh lam nổi tiếng ven Hồ Tây
Năm 1138, Từ Hoa mang theo một số cung nữ giỏi giang, khéo tay ra phía đông hồ Dâm Đàm lập trang trại Tằm Tang để trồng dâu, nuôi tằm rồi ươm tơ, dệt lụa, dệt vải, thêu gấm. Từ đó mở lớp truyền dạy và khuyến khích dân trong vùng phát triển nghề, tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề tơ tằm. Cuộc sống nơi đây cô công chúa nhỏ thỏa thích sống cùng những bãi dâu, nong tằm và tiếng thoi đưa lách cách suốt đêm ngày. Bất kể mùa nào, nếu về hồ Dâm Đàm cũng sẽ thấy các bà các chị làm việc miệt mài trong màn khói nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những sợi tơ thanh mảnh, mềm mại, màu sắc tươi sáng nơi đây sẽ dệt nên gấmvóc, lụa được sử dụng trong cung điện và kinh thành cả nước. Vừa làm nàng vừa dạy nghề cho dân chúng, chẳng mấy chốc nghề trồng “tằm dâu” ở trại Tàm Tang của công chúa Từ Hoa nổi tiếng khắp kinh đô Thăng Long và lan rộng cả nước.
Ghi danh lịch sử muôn đời
Ngôi chùa có bàn thờ riêng để thờ Từ Hoa công chúa, nằm bên tay phải khi đi từ tam bảo vào.
Sau khi công chúa qua đời, dân trong vùng lập đền thờ, tôn bà làm bà chúa nghề tằm tang. Từ trại Tàm Tang thời Lý, một ngôi làng chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ra đời. Thời Lê, làng này được đổi gọi là làng Nghi Tàm – một ngôi làng nổi tiếng ở kinh đô (nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Cung Từ Hoa, nơi công chúa sống, đến thời Trần được xây thành chùa Kim Liên – một danh lam nổi tiếng ven Hồ Tây.
Cũng từ trại Tầm Tang của bà chúa Từ Hoa, nghề dệt lụa đã phát triển mạnh trên cả nước qua các thời kỳ lịch sử, trở thành nghề truyền thống đáng tự hào của dân tộc. Có một thời, biết trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, dệt vải được xem như là một thước đo của “công, dung, ngôn, hạnh”. Không ít chàng trai đã quyết tìm cho bằng được người bạn trăm năm biết nghề ươm tơ dệt lụa.
Dấu ấn về nàng công chúa - Bà chúa Tằm làng Nghi Tàm ngày nay còn được lưu giữ tại phố Từ Hoa, từ ngõ 11 đường Xuân Diệu đến ngõ 1 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tên phố Từ Hoa được đặt từ năm 2013, Đây không chỉ là một con đường bình dị mà còn là hình ảnh sống động của một thời kỳ hoa lệ trong lịch sử Việt Nam. Nơi những người phụ nữ nhỏ bé, bình dị đã có công đưa kinh tế đất nước phát triển.
Phố Từ Hoa, từ ngõ 11 đường Xuân Diệu đến ngõ 1 đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Tags: Lịch sử tơ lụa | Dấu ấn Lụa Việt
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: