Trong suốt chiều dài lịch sử, lụa đã luôn được tôn vinh như một biểu tượng cao quý, mang danh hiệu "Nữ hoàng của ngành may". Từ thời cổ đại đến hiện đại, tấm lụa óng ả đã trở thành biểu tượng của sự sang trọng, dành riêng cho Vua chúa, giới quý tộc và những cá nhân có gu thẩm mỹ tinh tế.
Oscar de la Renta – nhà tạo mốt tài năng nổi tiếng thế giới từ những năm 1960, lọt vào mắt xanh của nhiều chính khách Hoa Kỳ từng phát biểu: “Lụa trên cơ thể giống như viên kim cương ngự trên bàn tay”.
Quan điểm này của Oscar de la Renta là một sự tôn vinh cho vẻ đẹp và giá trị của lụa trong ngành thời trang. Ông nhấn mạnh sự sang trọng và tinh tế mà lụa mang lại khi nó được sử dụng để tạo ra những bộ trang phục cao cấp. Tương tự như viên kim cương lấp lánh, tấm lụa trên cơ thể không chỉ tạo ra một vẻ đẹp lộng lẫy mà còn toát lên sự quý phái và đẳng cấp.
Vậy chính xác lụa là gì và nó được tạo ra như thế nào?
Để hiểu về lụa tơ tằm, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan về nghề sản xuất lụa tơ tằm Việt Nam. Hầu hết mọi người khi nhắc đến lụa tơ tằm, đều hình dung đó là một loại vải rất bóng, mềm và đẹp. Hình dung đó là đúng, nhưng chưa hiểu đầy đủ về lụa tơ tằm. Chính vì sự hiểu biết chưa đầy đủ này về lụa tơ tằm. Mà người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn bởi các loại vải có tính chất gần giống với tơ tằm. Từ đó dẫn đến tình trạng, người tiêu dùng hoang mang, không biết đâu là lụa tơ tằm, và lụa tơ tằm có những loại nào? Bài viết này sẽ tổng hợp những thông tin cơ bản nhất về nghề sản xuất lụa tơ tằm. Nhằm cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về lụa tơ tằm, các loại sợi tơ tằm và ứng dụng của từng loại lụa tơ tằm.
Lịch sử nghề nuôi tằm
Nghề nuôi tằm lấy tơ đã bắt đầu ít nhất là 5.000 năm từ Trung Quốc. Và được truyền bá dần đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn độ và Phương Tây. Riêng ở nước ta, theo huyền sử, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng đã xuất hiện từ thời Hùng Vương.
Nghề sản xuất lụa tơ tằm ở Việt Nam đã có từ thời Vua Hùng
Có 4 loại tơ tằm tự nhiên: tơ tằm dâu, tơ tằm thầu dầu lá sắn, tơ tằm sồi và tơ tằm tạc. Tơ tằm dâu chiếm 95% sản lượng tơ trên thế giới. Mặc dù có nhiều loài tằm nhả tơ, chỉ có loại tơ sợi được sản xuất bởi loài Bombyx mori (tiếng Latin: “sâu tằm của cây dâu tằm). Là ấu trùng của các loài sâu bướm tơ tằm dâu và một vài loài khác trong cùng một chi, được sử dụng trong ngành công nghiệp tơ lụa thương mại nhờ tính chất dễ chăm sóc và chất lượng sợi tơ tằm của chúng.
Đây là loài sâu tằm được thuần hóa từ loài hoang dã. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào con người và không có mặt trong tự nhiên hoang dã.
“Con Tằm”, về mặt kỹ thuật, không phải là một con sâu mà là ấu trùng của con ngài. Tuy nhiên, để cho đơn giản và nhất quán, chúng ta sẽ sử dụng từ con tằm trong suốt bài viết này.
Trứng tằm dâu
Màu sắc trứng thay đổi theo giống tằm và thời gian phát dục. Giống độc hệ và lưỡng hệ kén trắng, khi mới đẻ, trứng có màu vàng đậm. Trong quá trình phát dục của trứng, màu sắc của trứng biến đổi như sau: Giống độc hệ và lưỡng hệ (trứng có nghỉ đông) trứng chuyển từ màu trắng sang màu hồng (sau đẻ 36-48 giờ). Rồi chuyển sang màu nâu đậm hay còn gọi là màu đen (sau đẻ 72 giờ).
Khi trứng chuyển sang màu nâu đậm thì trứng bắt đầu đi vào thời kỳ nghỉ đông và màu nâu đậm được duy trì trong suốt quá trình nghỉ đông của trứng. Người ta ứng dụng quá trình nghỉ đông của trứng để vận chuyển.
Giống đa hệ (trứng không nghỉ đông) thì trứng chuyển từ màu vàng sang điểm đen (trên bề mặt trứng xuất hiện một điểm đen). Sau khi đẻ 5-6 ngày, và cuối cùng toàn bộ bề mặt trứng có màu xanh xám (sau khi đẻ 9 ngày) gọi là trứng ghim.
Những quả trứng nhỏ bé của con ngài được ấp cho đến khi nở thành ấu trùng (con tằm). Trứng tằm muốn nở đều, tập trung, cần ấp nhiệt độ 25-26oC, ẩm độ 80-90%, ánh sáng tự nhiên. Chừng mười ngày sau, trứng tằm đổi từ màu trắng sang màu đen. Khi trứng ghim, cần bảo quản tối hoàn toàn 01 ngày để khi được tiếp xúc ánh sáng tằm nở đều.
Độ 3, 4 ngày sau, nở thành những con sâu nhỏ bằng đầu tăm, lớn bằng tăm xỉa răng, dài chừng1/2 cm, giống như đám sâu lúc nhúc có màu xanh xám đậm hay màu đen, có lông, có chân, có đầu, có miệng và có răng.
Giai đoạn cho tằm ăn
Tằm nở ngày nào được nuôi riêng ngày ấy. Trong thời gian đó chúng ngủ và lột xác bốn lần, mỗi lần được định danh thêm 1 tuổi.
Tằm còn bé, lá dâu được thái nhỏ cho tằm ăn
Sau khi nở, tằm được đặt trong một lớp đệm như nong nia và ăn một số lượng lớn lá dâu non hay bánh tẻ. Dùng dao sắc thái thật nhỏ như thái thuốc lào rồi rắc nhẹ lên mình tằm. Khi nào tằm ăn hết thì lại rắc ngay lớp khác. Suốt ngày đêm chia khoảng 10 bữa. Lá dâu phải sạch, không được trồng gần ruộng trồng thuốc lào, ớt hay cây trồng khác.
Lá dâu mà có hơi mùi thuốc trừ sâu là coi như lá dâu ấy vứt. Tằm cũng có thể ăn Osage màu da cam là một cây họ dâu tằm hoặc rau diếp.
Tuy nhiên tằm ăn lá dâu tằm sản xuất tơ tằm tốt nhất, màu tơ đẹp nhất. Mỗi ngày còn phải vệ sinh, thay tằm. Vì chỗ tằm ăn còn lại những xơ lá và phân tằm. Phải gỡ tằm đem sang nong khác, rồi bỏ chỗ xơ lá và phân tằm đi, thứ này làm đồ bón cây tốt. Nuôi tằm vất vả ngày đêm, vì vậy dân gian xưa có câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”.
Nghề trồng dâu nuôi tằm rất vất vả
Tằm ăn như vậy bốn ngày thì mình vàng ra, nằm yên không ăn nữa gọi là tằm ngủ. Khi 90% tằm ngủ thì người nuôi tằm ngừng cho ăn. Tằm chuẩn bị ngủ, có màu bóng vàng, ăn ít lá dâu. Trong khi tằm ngủ, cần yên tĩnh, ánh sáng yếu, tránh gió lùa và động mạnh vào nong, đũi.
Tằm ngủ, ngưng ăn dâu, ít động đậy, đầu ngẩng cao, sau 20-24 giờ tuỳ theo mùa, lột xác, chuyển sang tuổi sau, tằm dậy. Tằm lột lớp da đen sì đầu tiên, trở nên màu xanh rất nhạt và lại bắt đầu ăn trở lại. Tằm dậy 95% thì cho ăn lại, bữa đầu tiên cho ăn lá dâu tươi, thái nhỏ hơn bữa thứ 2 trở đi. Lúc này vẫn phải thái lá dâu nhưng thái hơi lớn cũng được.
Sau bốn ngày nữa, lại ngủ, lại lột da, lại dậy ăn trở lại; lần này màu da xanh thêm và nhẵn chứ không có lông nữa. Lại ăn lại ngủ cùng thời gian như trước. Tức là ngủ ba lần rồi dậy ăn. Nuôi tằm con tuổi 1,2,3 có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả nuôi tằm lớn tuổi 4,5. Tằm lên hai, dài cỡ 1cm. Tằm lên ba, 1,5cm. Tằm lên bốn, cỡ 3cm, còn màu xanh xám. Tằm lên năm, trong thời kỳ ăn rỗi, cơ thể tằm lớn lên rất nhanh, 8,000 – 10,000 lần so với tằm mới nở, bằng đầu đũa ăn cơm, dài chừng 4,5cm.
Kiểm tra thức ăn của tằm
Khi đến lần ngủ thứ tư, và cũng là lần cuối cùng trong đời tằm, rồi trở dậy thì tằm lớn gần bằng ngón tay út. Lần này gọi là tằm ăn rỗi. Lúc này thì rắc cả lá dâu hoặc cả cành nhỏ cũng không sao. Tằm ăn rất nhanh, rất khỏe. Người nuôi tằm chạy dâu bở hơi tai! Cả ngày cả đêm ăn đến 15, 16 bữa. Mỗi ngày phải thay tằm hai lần. Bận rộn nhất là thời kỳ này. Trong nhà tằm lúc nào cũng nghe tiếng rì rào vì hàng trăm răng tằm nghiến vào lá dâu. Tằm trở nên màu xanh lục thẫm rất đẹp, da căng bóng.
Tằm con có khả năng chịu được nhiệt độ cao, ẩm độ cao hơn tằm lớn và sinh lý cũng khác tằm lớn nên cần được chăm sóc chu đáo. Ngừng cho ăn dâu quá sớm trước khi ngủ, cho tằm ăn quá muộn sau khi dậy đều làm cho tằm đói, cơ thể suy nhược, tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Tằm lớn cần nuôi dưỡng trong môi trường thông thoáng, không khí luân chuyển, trong sạch, tránh gió lùa mạnh và ánh sáng trực xạ.
Trong khoảng sáu ngày tằm ăn gần như liên tục. Sau khi phát triển đến kích thước tối đa của nó trong khoảng 6 ngày. Nó dừng ăn, thay đổi màu sắc, và nặng hơn khoảng 10.000 lần khi nó nở. Tuổi 5 cho tằm ăn dâu đầy đủ, sau 6-8 ngày tằm chín. Tằm chín da láng bóng, tằm ngưng ăn dâu, có xu hướng bò đi tìm nơi thích hợp làm tổ. Khi có ít nhất 1/3 cơ thể con tằm có màu trong suốt là thời điểm tằm đã sẵn sàng để đóng kén.
Đóng kén
Khi tằm chín vàng, được bắt lên né đóng kén, phải thật nhanh tay để tằm tránh khỏi cay mắt.
Né để tằm đóng kén
Né là tấm phên đan bằng tre, có những lỗ hổng vuông rộng mỗi bề độ mười phân. Nhặt tằm đã chín bỏ vào né, đem để ra chỗ hơi có ánh nắng. Khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải “hong nắng” và “sưng sấy” sao cho kén khô, thơm. Để khi ươm tơ kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng, thuận lợi cho người ươm tơ. Thiếu ánh nắng, tằm làm kén không được đẹp. Vì trước khi nhả tơ làm kén, tằm đi tiểu lần đầu và là lần cuối trong đời tằm rồi mới bắt đầu làm kén.
Ánh nắng nhẹ làm khô nước tiểu tằm và kén sẽ có màu vàng đỏ rất đẹp. Trái lại nếu tằm chín phải ngày mưa, phải để né ở trong nhà thì kén có màu không được tươi, vì chất nước tiểu tằm thấm vào kén. Nhưng cũng chỉ canh để cho ánh nắng nhẹ thôi, nắng nóng tằm cũng chết mà không làm kén được.
Tằm tự gắn nó trên né để nhả tơ đóng kén trong khoảng thời gian 3-8 ngày.
Tằm có một cặp tuyến nước bọt đặc biệt được sử dụng cho việc sản xuất tơ. Chất lỏng protein trong suốt, nhớt được tiết ra qua các lỗ hở gọi là lỗ nhả tơ trên phần miệng của con tằm.
Đường kính của lỗ nhả tơ xác định độ dày của sợi tơ, được nhả thành một sợi dài liên tục. Chất lỏng đông cứng lại khi tiếp xúc với không khí và tạo thành một cặp sợi tơ protein. Các tuyến tiết ra một cặp một chất lỏng thứ hai gọi là sericin, một dạng sáp kết hai sợi tơ với nhau, bảo vệ sợi tơ và kén tằm.
Đều đặn trong vòng bốn ngày liên tiếp, con tằm xoay cơ thể của nó trong một chuyển động hình số 8 khoảng 300.000 lần. Nó xây dựng nên một cái kén và nhả ra khoảng một km sợi tơ rồi hoá nhộng hoàn toàn. Cái kén tằm được tạo ra để giúp con tằm chống đỡ ngoại cảnh bên ngoài và kẻ thù tự nhiên.
Tằm cả đời chỉ vất vả chăm lo cho việc ăn của mình. Kế đó là làm sao có được cái tổ kén vàng bền đẹp, bên ngoài là các sợi tơ óng mượt. Bên trong là một lớp vỏ mịn màng và không kém phần bền chắc. Để rồi đến cuối của vòng đời, tằm sẽ yên nghỉ một cách bình an trong đó. Kệ cho tạo hóa xoay vần “thành nhộng”. Cả vòng đời của tằm vất vả như thế đó.
Khi tằm chín vàng bắt đầu làm kén thì nó tròn và dài độ bằng ngón tay út. Khi nó làm kén xong thì tằm thu hình lại, ngắn còn bằng nửa ngón út, lột lớp da tằm ra trở thành con nhộng, mình tròn mập, thon hai đầu, không cánh không chân không mắt, chịu nằm tù trong kén.
Ươm tơ
Kén tằm có hai màu: trắng và vàng là do hai giống tằm khác nhau đóng kén. Giống tằm kén trắng cho sợi tơ dài hơn, mỗi kén kéo được khoảng 700 mét tơ. Tuy năng suất cao hơn nhưng không chịu được nhiệt độ mùa hè Việt nam. Giống tằm kén vàng là giống tằm truyền thống của người Việt. Kén cho màu đẹp nhưng năng suất thấp hơn, mỗi kén chỉ được khoảng 300 mét tơ.
Lúc này người nuôi tằm gỡ kén, kết hợp phân loại sơ bộ. Hầu hết sẽ được đưa đi ươm tơ ngoại trừ một ít kén to. Và đều được lựa chọn riêng ra để làm giống cho lứa sau. Kén nào nhỏ mà nhọn đầu là kén đực, tròn mà đầy đặn là kén cái. Độ 12, 13 ngày sau, kể từ khi tằm chín bắt đầu nhả tơ và làm thành kén thì nhộng biến thành con ngài. Ở trong cái kén được lựa làm giống, cắn thủng một đầu kén và chui ra ngoài.
Con ngài màu hơi trắng ngà, giống con bướm có bốn cánh. Nhưng cánh ngắn và nhỏ hơn cánh bướm, xòe ra hai bên, giữa là khúc mình tròn mập, thon hai đầu, ngắn bằng nửa ngón tay út, cánh và mình dính đầy phấn màu ngà. Con đực và con cái tìm nhau để giao phối. Ngài cái được đặt vào nơi để đẻ trứng và chết. Một vòng quay mới lại bắt đầu với chu kỳ đẻ trứng. Trứng nở ra con tằm và rồi lại nhả tơ, đóng kén, hóa nhộng, thành ngài.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: