Từ lâu, Việt Nam đã được thế giới nhìn nhận như một quốc gia có lịch sử tơ lụa lâu đời, trải qua hàng nghìn năm với nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nổi tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)... Và đặc biệt là thủ phủ tơ lụa của Việt Nam - Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang nổi lên trên bản đồ tơ lụa thế giới thời gian gần đây.
Cùng nhìn lại những cột mốc của tơ lụa Việt Nam để thấy rằng nương dâu, con tằm đã đi sâu và gắn bó với cuộc sống của người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai như thế nào.
Bắt nguồn từ nương dâu, con tằm...
Điều kiện để phát triển nghề dệt lụa không thể thiếu cây dâu tằm. Trong đời sống văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa tới nay, cây dâu tằm có một vị trí hết sức đặc biệt. Nó đã đi vào tâm hồn người Việt của nhiều thời đại, gắn bó chặt chẽ với sinh mệnh của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội, qua sinh hoạt hàng ngày, qua phong tục tập quán, qua tôn giáo tín ngưỡng, qua phương ngôn- ca dao tục ngữ, qua văn chương bác học…
Người vợ chốn thôn dã thì ươm tơ, quay sa, dệt vải để chồng nuôi chí giành bia đá bảng vàng: Sáng trăng chiếu rải đôi hàng/ Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ (Ca dao).
Người vợ trong khuê các thì thêu thùa ngóng chồng nơi sa trường, mượn ngàn dâu để gửi gắm nỗi niềm nhớ thương sâu thẳm: Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai (Chinh phụ ngâm khúc- Đoàn Thị Điểm dịch). Còn cả người dân thường lẫn bậc vua chúa đều thường suy ngẫm cuộc đời qua hình ảnh Bãi bể Nương dâu (Thương hải Tang điền). Cuộc đời của không ít người phụ nữ danh tiếng nước Việt gắn với cây dâu – như bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (Tựa gốc dâu); và Phật Mẫu Man nương, cùng hệ thống Tứ Pháp Việt gắn với đạo Phật nguyên thuỷ của nước ta, gắn với chùa Dâu – trung tâm Phật học đầu tiên của Việt Nam cũng xuất phát từ huyền thoại về cây dâu tại vùng dâu bạt ngàn của Luy Lâu xưa – Thuận Thành, Bắc Ninh nay. Như vậy, Phật Tổ Việt và Tứ Pháp là hiện thân của cây Dâu (Tác phẩm “Lĩnh Nam chích quái” thời Trần lần đầu kể lại câu chuyện này).
Hình ảnh quen thuộc nơi làng quê Việt Nam từ bao đời
Đối với người Việt Nam, những bãi dâu mênh mông xanh mướt thể hiện cái tâm lý mong mỏi số phận cá nhân được hài hoà với thiên nhiên. Theo tín ngưỡng dân gian, gỗ cây dâu tương truyền có phép trừ ma quỷ nên các thầy pháp thường dùng cây roi bằng gỗ dâu trong các động tác phù chú, và vòng dâu tằm là loại vòng để đeo cho các trẻ sơ sinh chống tà ma, tránh vía nặng từ ngày xưa, hiện vẫn đang được làm ra…
Hơn ở đâu hết, tại Việt Nam, nông và tang – cấy lúa và trồng dâu là hai công việc quan trọng luôn gắn bó với người dân nông nghiệp VN, và đó cũng là hai đặc điểm tiêu biểu của văn hoá phương Nam, khác hẳn với nền văn minh du mục của người phương Bắc.
Lụa đi ra từ huyền sử gắn với thời kỳ vua Hùng dựng nước
Tương truyền, Cổ Đô là một làng quê nằm bên dòng sông Đà, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội. Xưa làng Cổ Đô nổi tiếng với sản phẩm lụa tiến vua. Nghề dệt lụa Cổ Đô xưa gắn liền với bà tổ nghề là Công chúa Thiều Hoa con Vua Hùng Vương thứ 6. Công chúa là người thông minh, xinh đẹp nhưng lại không chịu lấy chồng. Nàng từ chối ý định gả chồng của vua cha và sang sống ở trang trại khác. Nàng có biệt tài nói chuyện với chim và bướm mỗi khi vào rừng chơi. Một lần nói chuyện với bướm nâu, biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén. Thiều Hoa xin bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách đan chúng thành những mảnh, tấm nõn nà vàng tươi. Nàng đặt tên cho những tấm sợi ấy là lụa. Chính cái tên Thiều Hoa gọi bướm là ngài và giống sâu cho sợi ấy là tằm còn gọi đến ngày nay.
Theo truyền thuyết, công chúa Thiều Hoa nghe và hiểu được tiếng nói của các loài chim, bướm và từ đó phát hiện ra bí mật của con tằm
Được công chúa Thiều Hoa dạy nghề và cứ thế phát triển, lụa làng Cổ Đô trở thành sản vật tiến vua và đi vào câu ca dao vang tiếng muôn đời… Lụa này thật lụa Cổ Đô - Chính tông lụa cống các cô ưa dùng.
Tuy nhiên, ngày nay nghề lụa ở Cổ Đô đã không còn được lưu truyền. Cũ như lịch sử 4000 năm thời kỳ đầu dựng nước tuy đến nay không còn dấu tích lưu lại nhưng rõ ràng, lụa Việt Nam đã có một chỗ đứng riêng, độc lập với các quốc gia phương Bắc. Trong “Ngô đô phú” của Tả Tư (250 – 305) viết vào khoảng năm 272 thời Tây Tấn, có dẫn lại “Giao Châu ký”, miêu tả lối sống của người Giao Chỉ “Nấu nước biển lấy muối, khai khoáng để đúc tiền. Thuế của nhà nước một năm hai vụ lúa, thôn xóm cống 8 lứa tơ tằm.”
Thời Bắc Ngụy (386–535), tác phẩm “Thủy kinh chú” của Lịch Đạo Nguyên (472 - 527), dẫn lại nguồn từ “Lâm Ấp ký” cũng viết “Trong nước một năm được 8 lứa tằm tang”
Trong “Lĩnh Ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi thời Tống, tác giả đã ghi nhận quân lính nhà Tiền Lê (980–1009) dưới thời Lê Đại Hành, được thưởng đầu năm bằng tiền và lụa “Ngày mùng 7 Chính Nguyệt (Tháng Giêng), mỗi binh sĩ lãnh tiền 300, trừu lụa vải 1 xấp”
Các vua Lý mở đầu cho thời kỳ cường thịnh nước nhà với tư tưởng “người Việt dùng lụa Việt”
Những ghi chép rải rác trên cho thấy vải lụa của nước ta đã được sản xuất với số lượng lớn, được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt.
Tới thời Lý việc chủ động sản xuất vải lụa càng trở nên chủ động và phát triển hơn. Năm 1040, dưới thời Lý Thái Tông “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi nhận “vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa.”
Tượng các vua Lý ở Đền Đô
Vào thời điểm đó thì giới quý tộc nước ta hầu như chuộng lụa vải từ Trung Quốc. Khi ấy, nghề dệt Trung Quốc rất phát triển vì họ giao thương với nhiều nước trên thế giới qua con đường tơ lụa nên tiếp thu được nhiều kiến thức hay về dệt. Còn nước ta trước đó thì bị đô hộ rồi chiến tranh liên miên nên dân chỉ lo miếng ăn là chính chứ ít có điều kiện phát triển ngành dệt lụa.
Đến thời Lý Thái Tông thì đất nước đã yên bình hơn nên người dân có thể phát triển nhiều ngành nghề thủ công trong đó có trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Vua Lý Thái Tông chính là người chủ trương cho người dân phát triển việc dệt và làm gương bằng cách để các cung nữ cũng phải học rồi làm. Bản thân nhà vua cũng đẩy hết gấm vóc Trung Quốc ra khỏi kho để tỏ ý mình chỉ dùng hàng nội, làm gương cho thiên hạ. Sau vua còn dùng vải lụa trong nước sản xuất để thưởng cho các quan. Đó cũng là cách để dạy cho các quan ý thức về người Việt dùng hàng Việt.
Một phác thảo phục trang Việt thời Lý |
Không chỉ tự mình dùng đồ nội, vua còn nghĩ xa hơn trong việc phát triển ngành nghề này khi cho lập Quyến khổ ty (ty coi việc kho lụa) ở Thăng Long đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà vua. Khi đích thân vua đôn đốc mọi việc thì các quan đâu dám trễ nải, ai cũng phải tập trung cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, dệt lụa.
Sau thời Lý Thái Tông thì nghề dệt càng được trọng vọng. Vua Lý Thánh Tông (con vua Lý Thái Tông) lập bà Ỷ Lan vốn xuất thân từ cô gái hái dâu chăn tằm ở Hương Thổ Lỗi (Gia Lâm, Hà Nội) làm hoàng hậu. Công chúa Từ Hoa được vua cha là Lý Thần Tông (cháu nội vua Lý Thánh Tông) cho lập phủ ở Nghi Tàm bên Hồ Tây để cùng cung nữ trồng dâu dệt lụa. Bà Nguyễn Thị La, giỏi nghề dệt lại học hỏi được kỹ thuật dệt của Chàm được vua Lý Huệ Tông cho lập phường dệt phía tây Kinh Thành phường Nhược Công (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội). Sau vua còn sắc phong cho bà làm Thụ La công chúa…
Nhờ chính sách phát triển ngành dệt của nhà Lý mà nổi bật là vua Lý Thái Tông nên dệt của nước ta khi đó có những bước phát triển vượt bậc. Đầu thế kỷ XV Nguyễn Trãi viết trong “Dư Địa Chí” rằng: Ở nước ta ít nhất cũng có tới gần 20 làng, phường huyện, hộ có nghề dệt các loại sản phẩm cao cấp như gấm, vóc, trừu, lụa, lĩnh, lượt, là, the, sa. Có những loại vải sợi nhỏ đẹp hơn cả lụa.
Hình ảnh nàng Châu Long thông minh, đảm đang quay tơ dệt vải nuôi chàng học trò Lưu Bình học thành tài trong tích truyện Lưu Bình - Dương Lễ quen thuộc với rất nhiều người Việt Nam
Về sau chính người phương Bắc nhìn thấy lụa của nước ta cũng phải ngạc nhiên. Sứ nhà Nguyên là Từ Minh Thiện trong An Nam tức sự – Thiên Nam hành lý đã phải ca ngợi Đại Việt có lụa sợi nhỏ ngũ sắc, có chiếu dệt gấm màu, có lĩnh ngũ sắc mềm mại bóng đẹp ở kinh đô ven Hồ Tây.
Lụa Việt gắn liền với thời kỳ Nam tiến mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn
Đến thế kỷ 17, mảnh đất Quảng Nam là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới, có đô thị cổ Hội An nằm dọc sông Thu Bồn, xưa kia là đất quận Nhật Nam, nổi tiếng với câu "đàn ông trồng dâu, đàn bà dệt lụa”. Nhân dân xứ này ghi nhớ công ơn của bà Đoàn Thị Ngọc – Đoàn Quý Phi – Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và xưng tụng là Bà Chúa Tằm Tang bởi bà đã góp công đưa lụa của xứ Đàng Trong nối vào “con đường tơ lụa trên biển”.
Nhà thờ Đức Bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu - Bà chúa Tằm Tang ngay trên đất dinh trấn Thanh Chiêm xưa nay ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).
Câu chuyện về Bà chúa Tằm Tang cuốn hút đời sau bởi giai thoại về câu chuyện tình yêu của bà với chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648). Vốn là một người lao động xuất thân từ một làng quê mà nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là một nghề cha truyền con nối, nên cô thôn nữ làng Chiêm Sơn Đoàn Thị Ngọc đẹp người đẹp nết đã sớm thành thạo và đam mê nghề nghiệp của cha ông. Khi trở thành mẫu nghi thiên hạ, bà đã khuyến khích nhân dân trong vùng phát triển nghề tằm tang. Người dân nơi đây đã biết kết hợp các kinh nghiệm của cha ông từ Đàng Ngoài truyền lại với các kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm (giống dâu, giống tằm) của người Chămpa cũng như bí quyết dệt lụa của người Minh Hương để tạo ra được một nguồn tơ sống phong phú và nhiều mặt hàng lụa có chất lượng cao.
Trong sách "Phủ Biên Tạp Lục” Lê Quý Đôn đã đánh giá cao chất lượng lụa của Xứ Quảng và đã viết " Các vóc, sa, lãnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo” và "Người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các thứ the, đoạn, lụa, là hoa hòe tinh xảo chẳng kém gì Quảng Đông”.
Dưới thời Chúa Nguyễn, hàng năm tơ sống và các loại lụa của Xứ Quảng và Đàng Trong đã được xuất khẩu cho các nước Đông Nam Châu Á và phương Tây qua cảng thị Hội An tại Hội chợ quốc tế kéo dài từ tháng hai cho đến tháng sáu âm lịch. Các tàu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan.v.v... đã đến đây để giao thương.
Cảng thị Hội An vì thế đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương, nối liền phương Đông với phương Tây trong thời kỳ Trung Đại của lịch sử.
Bền bỉ và dẻo dai, lụa tơ tằm Việt Nam luôn có chỗ đứng trong dòng chảy lịch sử dân tộc
Lụa Việt ngày nay và sứ mệnh ghi tên trên bản đồ tơ lụa thế giới
Với lịch sử cả nghìn năm, nhưng để Việt Nam ghi được tên trên bản đồ tơ lụa thế giới hiện đại thì các làng nghề truyền thống là chưa đủ, cần phải có một sự chuyển mình lớn lao và Bảo Lộc chính là câu trả lời. Giờ đây nói đến nghề tơ lụa Việt Nam không thể không nhắc đến Bảo Lộc (Lâm Đồng), nơi được xem là “Thủ phủ tơ tằm” của Việt Nam.
So với các làng nghề truyền thống, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc ra đời muộn hơn rất nhiều, vào khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, nhưng lại phát triển rất mạnh, chiếm khoảng 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước. Ở đây, nghề tơ tằm phát triển quy mô lớn và gần như khép kín với tất cả các khâu từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nhuộm cho đến làm ra các loại sản phẩm hoàn thiện.
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi như khí hậu và đất đai, Lâm Đồng hiện là trung tâm sản xuất tơ lụa lớn nhất Việt Nam. Hiện địa phương có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa. Mỗi năm, sản lượng tơ của TP Bảo Lộc đạt khoảng 1.000-1.200 tấn, sản lượng lụa đạt 3,5 triệu mét vuông, chiếm 80% sản lượng tơ lụa cả nước. Tơ lụa Bảo Lộc hiện được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia, như: Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc...
Có thể thấy, từ vốn quý cổ truyền, với vùng nguyên liệu mênh mông, chất lượng tơ tằm hiếm có, cùng sự tài hoa và tâm sức của những người thợ cần cù, khéo léo đã tạo nên những tấm lụa tinh hoa, là sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Không chỉ bằng lòng với những mét tơ xuất khẩu, Lâm Đồng đang phấn đấu trong tương lai, sẽ có những tấm lụa đẹp được sử dụng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài với thương hiệu tơ tằm Bảo Lộc.
Nhà sáng lập DeSIlk Văn Hằng thăm quan cơ sở dệt tại Bảo Lộc
***
Ra đời năm 2018, lụa tơ tằm DeSilk luôn được khách hàng yêu thích bởi chăm chút kỹ lưỡng từ chất liệu cho đến màu sắc, hoa văn lấy cảm hứng từ văn hoá, thiên nhiên, thủ công truyền thống Việt Nam. Chỉ sử dụng lụa tơ tằm cao cấp nhất sản xuất tại Bảo Lộc, kết hợp với công nghệ in hiện đại, chuyên biệt để làm ra những tấm lụa họa tiết 3D cầu kỳ, tinh tế, thiết kế độc quyền từ Thụy Sĩ, DeSilk tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, đồng thời tái định nghĩa lại thương hiệu cao cấp của người Việt.
Tags: Lịch sử tơ lụa | Dấu ấn Lụa Việt
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: