Để có được một tấm vải lụa tơ tằm hoàn chỉnh cần qua rất nhiều công đoạn công phu, từ chăm tằm, xe tơ, dệt vải, in ấn… Từ bao đời nay, lụa tơ tằm đã hiện diện trong cuộc sống và vượt lên khái niệm về một loại phục sức thông thường, trở thành một biểu tượng của sự quý phái và tinh tế. Thậm chí, nói không ngoa khi nền văn minh con người có thể đã khác đi rất nhiều nếu như tơ lụa không hiện diện trong cuộc sống. Và bằng chứng cho đến nay chính là con đường tơ lụa huyền thoại đã tốn bao giấy mực của các nhà khoa học..
***
SỰ RA ĐỜI CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA…
Trong lịch sử có một con đường nổi tiếng, góp phần định hình nên nền văn minh của cả Đông và Tây trong hơn một thiên niên kỷ. Đó chính là con đường tơ lụa huyền thoại, khi thương nhân Trung Hoa dưới thời nhà Hán mang thứ tơ lụa nổi tiếng của họ, vốn chỉ được vua quan và giới quý tộc sử dụng sang phương Tây để bán.
Tranh minh hoạ đoàn thương nhân với lạc đà và ngựa băng qua con đường tơ lụa nối liền phương Đông với phương Tây. Ảnh: History.com
Những bậc đế vương hay nhà quý tộc của La Mã đã lập tức mê mẩn thứ tơ lụa tuyệt đẹp này. Họ mong muốn sở hữu thứ hàng này đến mức sẵn sàng mua bằng mọi giá. Từ đó bắt đầu sự bành trướng của lụa, cả châu Âu, châu Phi, những nơi đế chế La Mã ghi dấu ấn, người ta đua nhau săn lùng thứ lụa tơ tằm với những đặc tính phi thường được dệt ra từ bàn tay của các nghệ nhân ở phương Đông xa xôi. Người ta truyền tụng, khi một vị hoàng đế La Mã lẩn đẩu tiên mặc bộ quẩn áo bằng tơ lụa để đi xem hát đã gây chấn động cả kinh thành La Mã. Có truyền thuyết lại cho rằng Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra chỉ chọn mặc trang phục may bằng lụa tơ tằm thượng hạng mà thôi mà thôi.
Và hàng đoàn hàng đoàn người đã lên đường đến Trung Hoa, mang theo vàng cũng như những sản phẩm quý giá mà Trung Hoa không có để đổi lấy lụa. Nhiều người giàu lên nhưng cũng nhiều kẻ phải bỏ mạng trên con đường kéo dài ngót vạn cây số, băng qua biết bao xứ sở, quốc gia, sa mạc mênh mông để hình thành lên một vành đai nổi tiếng nối liền phương Đông và phương Tây. Ban đầu là tơ lụa rồi đến ẩm thực, tôn giáo… đã theo chân các thương nhân, tạo nên sự giao thoa văn hoá từ Đông sang Tây, là động lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu định hình nên lịch sử nhân loại hiện nay.
Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra với sắc đẹp huyền thoại cũng là một người hâm mộ lụa tơ tằm. Ảnh: Internet
…BẮT ĐẦU TỪ CON TẰM ĂN LÁ DÂU NÓ NHẢ RA TƠ
Trong nhiều thế hệ, các vương triều Trung Hoa đã cố gắng giữ bí mật về việc sản xuất lụa tơ tằm nhằm giữ thế độc quyền Tuy nhiên, dù cố giữ nhưng bí mật về con tằm vẫn lộ ra bên ngoài và tơ lụa không còn là độc quyền riêng của người Trung Hoa.
Riêng tại Việt Nam, lụa tơ tằm còn được coi là một trong những bản sắc văn hóa lâu đời. Theo thần tích làng Cổ Đô, huyện Ba Vì thì nghề chăn tằm, ươm tơ đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi nghiệp. Nêu theo đó dân làng theo nghề dệt lụa thờ Thiều Hoa làm tổ nghề dệt lụa. Lụa tơ tằm được truyền bá rộng rãi khắp các vùng từ đồng bằng màu mỡ đến núi đồi cao nguyên Việt Nam hợp thành những làng nghề truyền thống lâu đời. Trải qua thời gian lụa tơ tằm trở thành thứ vải thượng hạng của Việt Nam, mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc.
Đình làng Cổ Đô, nơi phát tích của câu ca dao: Lụa này thật lụa Cổ Đô - Chính tông lụa cống các cô ưa dùng. Ảnh: Internet
Thật khó tin khi cầm trên tay một tấm lụa sóng sánh, mềm mại đầy quyến rũ lại là thành quả của một loại sâu ăn lá nhỏ bé: con tằm: Vòng đời trung bình của một con tằm từ khi nở đến lúc nhả tơ là từ 23 – 25 ngày, và trải qua 4 lần lột xác. Tằm ăn suốt ngày đêm, tuy nhiên vào thời điểm trước khi lột xác khoảng 2 ngày của mỗi giai đoạn tằm không ăn (gọi là tằm ngủ). Sau khoảng 3 tuần tằm phát triển đến kích thước tối đa (tằm chín) mình trơn, da căng bóng, mỏng, có màu hơi vàng trong suốt. Lúc này tằm bò đến nơi thích hợp để nhả tơ và tạo kén. Tằm nhả tơ từ ngoài vào trong, đầu tiên là vài vòng tơ thô bao bọc bên ngoài để định hình tổ kén gọi là áo kén, trong 48-72 tiếng đồng hồ liên tiếp, con tằm xoay cơ thể theo chuyển động hình số 8 nhả thành sợi tơ dài gần 1km, quấn quanh mình tạo thành kén.
Sau khi nhả hết tơ, tằm kiệt sức nằm yên trong kén và biến thành nhộng, lúc này có thể bắt đầu gỡ kén để đem đi ươm tơ. Những sợi tơ ấy sẽ được se với nhau, tùy vào số lượng sợi và số vòng xoắn, tùy vào kỹ thuật dệt (thủ công hay hiện đại) để cho ra các loại vải có màu sắc, độ dày - mỏng, co giãn khác nhau.
Con sâu tằm bé nhỏ ẩn chứa bí mật của các sợi tơ. Ảnh: Internet
LỤA TƠ TẰM – HIỆN THÂN CỦA SỰ QUÝ PHÁI VÀ TINH TẾ
Tơ tằm sở dĩ quý bởi vì đây là loại tơ tự nhiên mảnh nhất, tiết diện ngang gần như hình tam giác, có độ bóng cao cùng với những đặc tính ưu việt mà không loại vải nào có được. Khi dệt lên tấm vải, chất lụa tơ tằm bắt sáng nhưng không gây cảm giác chói chang mà rất dịu dàng, ôm phủ lấy người nhưng không gây bí bức, ngột ngạt. Do thành phần chủ yếu của tơ tằm là Fibroin một loại protein không hòa tan, chiếm tới 75%, phần còn lại là sericin rất với giống với da người nên khi tiếp xúc với tơ tằm ta cảm thấy rất dễ chịu, thoải mái.
Mặc trang phục bằng lụa tơ tằm ta thấy như được trở che, vỗ về trong một lớp da thứ hai khiến cơ thể và cảm xúc nâng nâng dễ chịu. |
Áo dài may bằng mẫu vải hoạ tiết Lacquer xanh trong Bộ Sưu tập Nghề Truyền thống và Kiến trúc cổ của DeSilk
Cho đến nay lụa tơ tằm vẫn là một dòng vải lụa đặc biệt, vượt khỏi các loại vải thông thường khác vì sự ưu việt khi khoác lên người bởi không chỉ là thời trang, đó còn là đẳng cấp, là sự sang chảng rất mực tinh tế, thương lưu. Nhắc đến lụa người ta nhớ ngay đến vẻ đẹp thanh lịch nhưng cũng vô cùng vương giả đã định hình qua lịch sử cả nghìn năm.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: