Gặp chị Văn Hằng, CEO thương hiệu lụa DeSilk trong một sự kiện về đổi mới, sáng tạo Việt Nam diễn ra đầu năm 2021, khi được hỏi về lụa, chị say sưa kể với người viết về những nét đẹp, tinh tế và đặc biệt là sự sáng tạo trong một sản phẩm lụa mang thương hiệu DeSilk. Chị bảo: "Có làm được như vậy, tôi mới đủ tự tin và tự hào để viết trên tem mác sản phẩm của mình là "made in Vietnam".
Từ ngàn đời xưa, Việt Nam luôn được biết tới là quốc gia có lịch sử nghề tơ lụa lâu đời, trải qua hàng nghìn năm với nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nổi tiếng. Tuy nhiên, lụa Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới và ngay ở thị trường trong nước cũng không có chỗ đứng vững chắc.
CEO Văn Hằng
Mỗi sản phẩm sẽ là một câu chuyện
Chính điều này đã thôi thúc một người mê lụa, yêu lụa muốn làm gì đó để lụa Việt Nam phải được người tiêu dùng thế giới biết đến. Chị Hằng đã trăn trở đi khắp đất nước tìm kiếm sản phẩm lụa chất lượng tốt nhất, quyết tâm khởi nghiệp tạo ra các sản phẩm thời trang từ lụa, dù trước đó công việc chuyên môn không gắn với ngành thời trang.
Sau khi đến vùng sản xuất lụa ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tận mắt chứng kiến chuỗi sản xuất với nhiều nhà máy lâu đời, được gặp gỡ những người gắn bó với nghề dệt lâu năm. Chị nhận thấy Bảo Lộc chính là vùng đất để tạo ra sản phẩm lụa cao cấp.
Theo đó, chị Hằng đã hợp tác với nhà thiết kế Minh Phạm, người Thuỵ Sỹ gốc Việt. Anh là người có tình yêu với Việt Nam, am hiểu văn hóa lịch sử và con người Việt Nam, được đầu tư bài bản về nghề thiết kế thời trang tại kinh đô thời trang nổi tiếng thế giới là Paris (Pháp) để tạo ra sản phẩm lụa độc đáo mang thương hiệu DeSilk.
"Tôi muốn xây dựng thương hiệu lụa "made in Việt Nam" nhưng làm sao để thế giới phải biết đến lụa Việt Nam không chỉ tốt mà còn đẹp nhờ thiết kế đặc biệt, thể hiện văn hóa - lịch sử Việt Nam", chị nói.
Đơn cử, họa tiết của chiếc áo dài được lấy ý tưởng từ nghề sơn mài khảm trứng của Việt Nam, nhằm tôn vinh bàn tay khéo léo sự tỉ mỉ của người thợ thủ công Việt Nam. Hay Hoa Sen là một trong những loài hoa mang tính biểu tượng nhất của Việt Nam, thông qua quá trình giải mã cấu trúc và thiết kế, nhà thiết kế Thụy Sỹ của DeSilk đã mang đến cho bông sen một hình dáng mới.
Luôn đổi mới và sáng tạo
Tính cốt lõi của sản phẩm lụa DeSilk là giao thoa văn hoá Đông Tây - truyền thống kết hợp công nghệ. Mỗi sản phẩm đều phải thể hiện sự sáng tạo. Mình sáng tạo đổi mới ở chỗ phát huy điểm mạnh của Việt Nam đó là phong cảnh, văn hóa lâu đời, đó là bàn tay khéo léo sự cần cù của người Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo ở chỗ tận dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, hợp tác với nhà thiết kế tại Thuỵ Sỹ để sản phẩm có sự giao thoa văn hóa Đông Tây, sản phẩm được làm ra theo tiêu chuẩn khắt khe của một thương hiệu thời trang quốc tế cần phải có.
Sản phẩm của DeSilk có sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, trong đó có sự ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong in ấn và thiết kế. Tuy nhiên, vẫn tôn vinh được bàn tay khéo léo của người thợ Việt Nam thông qua các kỹ thuật truyền thống, khâu may thủ công...
"Lụa rất đỏng đảnh, mỗi một lô in có sự khác nhau về màu sắc, không hoàn toàn chiều theo mong muốn của mình. In lụa không phải ai cũng in được, kể cả máy móc hiện đại nhưng nếu không có kinh nghiệm thì không in được. Đấy gọi là nghệ thuật khéo léo", Nhà sáng lập DeSilk chia sẻ.
Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, những kế hoạch hợp tác phát triển sản phẩm làm quà tặng bị gián đoạn, DeSilk đã hướng thiết kế sang khẩu trang thời trang, thu hút được đông đảo người dùng. Đồng thời, DeSilk cũng thực hiện chuyển đổi kinh doanh sản phẩm online để đáp ứng với xu hướng tiêu dùng mới. "Khó khăn lắm nên mình càng phải cố gắng nhiều hơn", chị Hằng tâm sự.
Nhìn nhận về việc xây dựng thương hiệu lụa Việt Nam, quảng bá với thế giới, bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đánh giá lụa Việt Nam được khá nhiều bạn bè, khách nước ngoài biết đến nhưng chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới là do chất lượng chưa đồng đều, chưa đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất lụa, mẫu mã chưa đa dạng và phong phú. Chúng ta cũng chưa có chiến lược tiếp thị và quảng bá đúng mức, phải gắn nó với văn hoá, lịch sử, truyền thống của Việt Nam.
Đặc biệt để sản phẩm lụa trở thành quà tặng ngoại giao của quốc gia thì món quà tặng này phải thể hiện được nét độc đáo về văn hoá của cả quốc gia, quà tặng mang đi nước ngoài không quá to, quá nặng, không quá giá trị.
"Tặng sản phẩm lụa cho bạn bè quốc tế, chúng ta có thể kể câu chuyện về Hiếu Chiêu Hoàng Hậu (hay còn gọi là Đoàn Quý Phi). Bà nổi danh ở Xứ Đàng Trong với biệt hiệu bà chúa Tằm Tang, đương thời là một Quốc mẫu nhân hậu, giúp dân chúng phát triển ngành nghề ươm tơ dệt lụa. Điều này sẽ truyền tải thông điệp về văn hoá, nghệ thuật truyền thống Việt Nam", bà Hằng chia sẻ.
Nói điều này để thấy rằng con đường mà chị Văn Hằng đang chọn là đúng hướng nhưng chắc chắn phía trước vẫn rất nhiều trông gai cần chị và DeSilk nỗ lực hơn để vượt qua và "thổi hồn" văn hóa, lịch sử vào mỗi sản phẩm để đưa lụa Việt Nam đi khắp thế giới.
Theo Nhật Linh (Tạp chí Điện tử Kinh doanh)
Link gốc: https://vnbusiness.vn/phong-cach/nguoi-thoi-hon-cho-lua-viet-1075984.html
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: