Di sản thời trang dân tộc ta
Áo dài phụ nữ vẻ kiêu sa…
Câu thơ của Nguyễn Thanh Tùng đã nói lên sự quan trọng của chiếc áo quốc dân của chị em phụ nữ. Sự duyên dáng đáng yêu của người phụ nữ Việt được tô điểm thêm bởi tà áo dài thướt tha càng khiến người ta say đắm.
Cùng tìm hiểu vẻ đẹp của chiếc áo dài qua từng thời kỳ lịch sử của Việt Nam để càng giúp bạn hiểu rõ hơn phần nào “di sản văn hóa” mà ông cha ta đã gìn giữ và phát triển bấy lâu nay.
Áo tứ thân
Có khá nhiều quan điểm về xuất xứ của áo dài. Nhưng về cơ bản, các nghiên cứu đều khá thống nhất khi cho rằng tiền thân của áo dài nữ Việt là áo dài tứ thân vốn gắn liền với hình ảnh của người phụ nữ nông thôn Bắc Bộ thời phong kiến.
Trình diễn áo tứ thân tại buổi trình diễn Áo dài cổ phục Việt do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức
Chiếc áo tứ thân được cấu tạo bởi phần lưng áo gồm hai mảnh vải cùng gam màu “đấu sống” ở chính giữa, phía trước có hai thân tách rời ra và được buộc lại với nhau, thả trước bụng. Sở dĩ như thế là do vải thời ấy chỉ hẹp khoảng 40 - 50 cm. Phía trên phần ngực không gài hết mà để lộ chiếc yếm thắm ẩn ở bên trong.
Áo tứ thân mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về nhân sinh quan và tình cảm con người, với bốn thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, hai tà trước buộc lại với nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, khắng khít bên nhau.
Áo tứ thân dài gần chấm gót thường mặc cùng với chiếc quần lĩnh đen và thắt lưng lụa màu. Đi cùng với chiếc áo tứ thân phải có chiếc yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao. Hình ảnh đó được giữ cho đến tận bây giờ ở những liền chị quan họ vùng Kinh Bắc.
Áo giao lĩnh
Áo giao lĩnh hay còn được gọi là áo giao lãnh mang kiểu dáng sơ khai của áo dài Việt Nam. Nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và ghi chép nước ngoài khẳng định, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714–1765) Đằng Trong muốn phân biệt với Đằng Ngoài đã đặt ra quy định về y phục.
Hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài giao lĩnh được ghi lại ở tài liệu của Pháp.
Áo giao llĩnh mang kiểu dáng sơ khai của áo dài Việt Nam. Áo có kích thước rộng, xẻ 2 bên hông hay còn được gọi là tà, phần tay áo dài, cổ tay được thiết kế khá rộng, thân áo dài đến chấm gót chân. Nhìn chung chiếc áo giao lãnh có vóc dáng như chiếc áo tứ thân, tuy nhiên nếu chiếc áo tứ thân cần phải buộc vạc áo phần trước bụng thì với áo giao lĩnh người mặc chỉ cần để buông 2 vạt phía trước.
Áo dài ngũ thân
Đến đời vua Gia Long (1762 - 1820) thì áo ngũ thân xuất hiện. Loại áo này thường được may thêm vào một tà nhỏ để tượng trung cho giai cấp và địa vị của người mặc trong xã hội.
Trình diễn áo ngũ thân thân tại buổi trình diễn Áo dài cổ phục Việt do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức
Giai cấp quan lại, quý tộc thì sẽ mặc những chiếc áo ngũ thân để chia ra phân biệt với các tầng lớp nhân dân trong lao động xã hội. Áo có 4 vạt được may thành 2 tà áo xẻ 2 bên như áo dài, nhưng phần tà trước áo có thêm một vạt áo ở bên trong như lớp lót kín đáo, phần đó chính là vạt áo thứ 5. Kiểu áo này được may theo kiểu rộng rãi, có phần cổ với đường nét mũi khâu đẹp đẽ, độc đáo được thịnh hành đến từ đầu thế kỷ XX.
Chiếc áo dài ngũ thân luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý làm người của người Việt Nam là Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Áo ngũ thân vốn được tạo ra để cả nam và nữ cùng mặc. Tuy nhiên theo thời gian, chiếc áo dài nam dần biến mất.
Áo dài Lemur
Cột mốc cách tân quan trọng nhất với áo dài diễn ra vào thập niên 1930, trong bối cảnh văn hóa phương Tây hiện đại đã du nhập vào Việt Nam. Với sự xuất hiện của những luồng tư tưởng, văn hóa và trí thức mới, quan điểm thẩm mỹ về vẻ đẹp của người phụ nữ cũng bắt đầu có sự thay đổi.
Sự dịch chuyển thẩm mỹ tinh tế, duyên dáng, từ tà áo tứ thân truyền thống đến chiếc áo dài Việt thời điểm này bắt đầu từ họa sĩ Cát Tường, vốn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vào tháng 3/1934, khi trên báo Phong Hóa, họa sĩ Cát Tường đã giới thiệu những mẫu áo dài đầu tiên - được đặt tên là Le Mur (tên tiếng Pháp của ông).
Áo dài Lemur từ bảo tàng áo dài của Sĩ Hoàng
Là người đầu tiên dùng máy khâu để may áo dài, Cát Tường có nhiều cải tiến quan trọng. Phần cổ áo được đưa lên thành cổ đứng cao 2cm - kèm theo đó là việc lăng xê các kiểu cổ cứng, cổ bắt chéo, cổ cánh hoa. Những chiếc khuy bấm trên áo được quy định vị trí với nhiều kiểu khuy, khuyết. Tà phụ ngắn đệm trong của áo 5 thân cũ được bỏ đi, trong khi tà áo dài mới buông xuống cách mặt đất 20cm. Đặc biệt, nhà họa sĩ kiêm thiết kế này dụng công làm cho độ dài 2 mặt trước sau của áo có độ đổ chuẩn xác để khi mặc vào được căng, lượn sát, bó khít lấy những đường nét cơ thể, tôn cao bộ ngực, làm cho eo thon thả, thắt đáy lưng ong…
Áo dài Lê Phổ
Một thời gian ngắn sau khi áo dài Lemur ra đời, một họa sĩ nổi tiếng khác là Lê Phổ (cũng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) được cho là đã có thêm một số cải tiến để hoàn thiện như thu nhỏ cổ, gấu, nẹp, phần thân áo được thu hẹp cho ôm khít vào người, tà áo được xẻ cao hơn để dáng thêm mềm mại... Nhiều người cho rằng, áo dài Lê Phổ là nguyên bản của áo dài Việt Nam hiện đại.
Áo dài Lê Phổ cổ cao được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt hiện nay. Ảnh tư liệu
Dù có những tranh cãi từ phía thủ cựu, những chiếc áo dài tân thời trong thập niên 1930 vẫn phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, sau năm 1954, do bối cảnh chiến tranh, áo dài Việt Nam tại miền Bắc ít được cải biến, cách tân. Nhưng tại miền Nam, trang phục này vẫn có dòng chảy riêng của mình...
Áo dài Madame Nhu
Kiểu áo gắn liền với hình ảnh "Đệ nhất phu nhân" Trần Lệ Xuân được đưa ra vào tháng 12/1958. Đây là mẫu áo dài tà rộng ôm khít, thân áo có đường kết cấu tạo ly chiết ở thân trước và thân sau nhằm làm giảm tối đa độ rộng của áo, đồng thời làm nổi phần ngực và nở phần hông. Đặc biệt, phần cổ áo, được thiết kế không có chân, cắt rộng tạo thành các dáng hình tim và thuyền - trong đó dáng hình cổ tim có kích thước nhỏ hơn độ sâu của cổ, dáng hình cổ thuyền có kích thước ngang lớn hơn kích thước độ sâu của cổ.
Áo dài Bà Nhu. Ảnh Tạp chí Life
Kiểu áo này được bà Trần Lệ Xuân đưa đi quảng bá khắp nơi với người nước ngoài, đi tiệc, đi chơi… Lúc đầu, thiết kế này bị phản đối vì đi ngược lại thuần phong mĩ tục, nhưng sau này lại rất được ưa chuộng vì sự đơn giản, tinh tế và thoải mái.
Áo dài Raglan
Sang thập niên 1960, áo dài raglan (đọc là giắc lăng) ra đời gắn liền với tên tuổi của hiệu may Dung ở Dakao, Sài Gòn. Kiểu tay raglan nối từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái, dễ chịu và linh hoạt hơn. Ngoài ra, hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông, dáng áo may ôm khít cơ thể, phần eo xiết chặt, nhờ một sợi dây bí mật luồn vào vị trí này. Áo raglan được đánh giá đã góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.
Áo dài Raglan trên đường phố Sài Gòn những năm 60. Ảnh tư liệu
Áo dài Việt Nam ngày nay
Trải qua các giai đoạn lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, áo dài vẫn là trang phục truyền thống trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế thể hiện sự trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.
Áo dài trong bộ sưu tập Dáng Sen của DeSilk
Ngày nay áo dài còn được biến chuyển thành áo dài cưới, áo dài Tết, áo dài cách tân, áo dài học sinh, áo dài trình diễn... Đặc biệt là áo dài cho doanh nhân với chất liệu lụa tơ tằm cao cấp in họa tiết truyền thống Việt Nam đem lại cho người sự sang trọng, đẳng cấp cần có một nhà nhà lãnh đạo. Doanh nhân nữ Việt Nam khi mặc áo dài truyền thống sẽ lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa nước Việt và điều đó thể hiện trách nhiệm của doanh nhân trong việc lưu giữ và truyền bá văn hóa đất nước.
Các doanh nhân HNEW trình diễn áo dài tại buổi trình diễn Áo dài Doanh nhân 3 miền do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức
Phụ nữ Việt Nam khoác lên mình tà áo dài với thiết kế ôm sát cơ thể cầu kỳ tôn lên đường cong chữ S, như hình dạng uốn lượn tuyệt vời của đất nước Việt Nam. Cùng với đó là sự thiết kế tài tình của các nhà thiết kế với những họa tiết đậm chất Việt Nam như hoa sen, linh thú, nghề thủ công truyền thống...
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: