Bao đời nay, cây dâu cùng con tằm đã đi vào đời sống văn hoá của người Việt Nam. Và từ khi nào hình ảnh của cây dâu, con tằm và hoạt động của nghề nuôi tằm mà phần lớn do những người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó đảm đương đã được khắc họa bằng những câu ca dao lục bát thân thương mà gần gũi.
Anh ơi! Cố chí canh nông
Chín phần ta cũng dự trong tám phần.
Hay gì để ruộng mà ngăn,
Làm ruộng cấy lúa, chăn tằm lấy tơ.
Tằm có lứa, ruộng có mùa.
Chăm làm trời cũng đền bù có khi
Thân phận con tằm, suốt đời tằm chỉ ăn lá dâu và rồi bao tinh túy chắt lọc, để ra được sợi tơ quý. Tằm rút ruột mình để cho ngươi những sợi tơ óng ánh, quý giá. Cũng giống như thân phận người phụ nữ khi xưa cam chịu, suốt đời chỉ biết hy sinh, cho gia đình, cho chồng, cho con mà không hề nghĩ đến bản thân.
Thân em vất vả trăm bề
Sớm đi ruộng lúa tối về ruộng dâu
Nhưng những người phụ nữ xinh đẹp, thông minh đó, khi thời cơ đến, đã tự mình làm nên những chiến công hiển hách được lịch sử ghi danh như trường hợp Hoàng thái hậu Ỷ Lan vốn là cô thôn nữ làng Thổ Lỗi, nhân đi hái dâu mà được vua Lý Thánh Tông đón vào cung lập làm phu nhân.
Chiều chiều mang giỏ hái dâu
Hái dâu không hái, hái câu ân tình
Hay Bà chúa Tằm tang Đoàn Thị Ngọc với mối tình tuyệt đẹp với chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Tương truyền, thế tử Nguyễn Phúc Lan bấy giờ đi thuyền trên sông đã nghe tiếng hát và phải lòng giọng ca mượt mà cùng lời lẽ “táo bạo” ẩn chứa trong đó. Xuất thân từ một cô gái làm nghề tằm tơ, sau khi trở thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, bà đã hết lòng khuyến khích nông dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa lúc bấy giờ chú trọng nghề nuôi tằm dệt lụa. Nhờ thế mà nghề tằm tang canh cửi xứ đàng trong được mở mang và lan truyền khắp nơi trong nhân gian.
Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa
Thuyền rồng Chúa ngự đi đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình
Em là con gái Phù Long
Quê em Cồn Vịt, lấy chồng vườn dâu
Dù đi buôn đâu bán đâu
Cũng về giữ đất trồng dâu chăn tằm
o0o
Nương dâu xanh thắm quê mình
Nắng lên Gò Nổi, đượm tình thiết tha
Con tằm dệt kén cho ta
Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời
Và đẹp nhất trong thơ ca hẳn vẫn là hình ảnh người vợ tần tảo, cần cù, không quản công sức nuôi chồng ăn học, những mong mai này thi đỗ, tên ghi bảng vàng, được vua ban vinh quy bái tổ để “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”.
Sáng trăng trải chiếu hai hàng.
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ
Không chỉ có thế, tình cảm vợ chồng khăng khít, gắn bó cũng được ví von với hình ảnh con tằm.
Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong
Nhưng cũng có khi chàng trai quên lời hẹn ước, người con gái trách móc bằng những lời ca nhẹ nhàng mà thấm thía
Tằm ơi say đắm nơi đâu,
Mà tằm bỏ nghĩa cành dâu không nhìn.
Đủ các cung bậc hỷ nộ ái ố của con người gắn với nương dâu, con tằm. Nhưng cho dù thời gian có trôi chảy, cuộc sống có biến thiên thế nào thì con tằm với thiên chức nhả tơ để dệt lên những tấm lụa đẹp cho đời vẫn không hề thay đổi
Một ngàn năm, một vạn năm
Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ
Còn rất nhiều các câu ca dao khác về cây dâu, con tằm và cô thôn nữ tựa như những hạt ngọc lấp lánh trong kho tàng thi ca Việt Nam. Để khi đọc lên, chúng ta không khỏi rung động và tự hào về những truyền thống tốt đẹp của cha ông cũng như cách mà sợi tơ tằm đã ăn sâu, bén rễ vào tâm hôn người Việt...
Là một thương hiệu lụa tơ tằm truyền thống Việt Nam, DeSilk cất công sưu tầm và giới thiệu với quý vị. Để khi mặc lụa, dùng lụa hàng ngày trong cuộc sống, chúng ta có ý thức hơn về một sản phẩm giàu truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam… |
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: