Thư của CEO

Lời đầu tiên cho phép tôi Văn Hằng – CEO của thương hiệu lụa DeSilk xin được gửi lời chào, lời kính chúc sức khỏe trân trọng nhất tới toàn thể các quý vị đại biểu đã có mặt trong sự kiện quan trọng ngày hôm nay.

Chúng ta đang ngồi trong một không gian được trưng bày rất nhiều sản phẩm lụa tơ tằm Việt Nam. Với phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời nay, bãi dâu, nong tằm và khung cửi đã là những vật dụng rất quen thuộc trong các cuộc sống hàng ngày. Cây dâu tằm hợp với thổ nhưỡng Việt Nam, dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc mọc có thể mọi ở mọi nơi. Bản thân Văn Hằng cách đây hơn 30 năm khi còn là một cô bé cũng thường la cà hái những quả dâu chín mọng mỗi khi đi học về.

Nghề dệt lụa ra đời từ buổi hồng hoang gắn với lịch sử dựng nước của các Vua Hùng. Tương truyền chính Công chúa Thiều Hoa, con gái vua Hùng thứ Sáu chính là tổ mẫu của ngành lụa. Nhờ biết được đặc tính của cây dây, con tằm mà bà đã khước từ cuộc sống nơi lầu son gác tía để sống cùng nhân dân, dậy cho mọi người cách trông dâu, ươm tằm dệt vải để mọi nhà ai ai cũng no ấm. Rồi đến bậc Mẫu Liễu Hạnh – một trong Tứ Bất tử của dân tộc Việt Nam đã dày công gìn giữ, trao truyền. Để đến nay trên khắp đất nước đâu đâu cũng có những làng dệt lụa nổi tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)...

Tuy nhiên, để có được những sợi tơ óng ánh là nguyên liệu thô đầu tiên để dệt lên vải, may quần áo thì người trồng dâu nuôi tằm vô cùng vất vả. Các cụ ta có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để chỉ sự tất bật, vất vả của những người làm nghề nuôi tằm, suốt ngày phải chầu chực bên nong tằm, đến mức thời gian để ăn cơm cũng không có, phải tranh thủ “ăn cơm đứng” để túc trực những nong tằm.

Thưa các quý vị! Tơ lụa không đơn thuần chỉ là một mặt hàng mà nó còn là sản phẩm văn hóa đặc biệt mang đậm dấu ấn quốc gia. Từ xưa, lụa Việt Nam đã luôn được đánh giá cao trên thị trường quốc tế bởi độ óng mượt, mịn màng và bền đẹp không thua gì tơ lụa của Trung Hoa, Nhật Bản và các nước khác. Hiện sản lượng tơ xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở vị trí thứ ba trong khu vực và thứ sáu trên thế giới trong nhiều năm. Tuy nhiên, lụa Việt Nam vẫn chưa được nhiều bạn bè quốc tế biết đến bởi còn thiếu các sản phẩm lụa hoàn chỉnh đạt phẩm cấp cao mới có thể định danh được thương hiệu của một quốc gia, theo nhận xét của ông Fei Jianming - Tổng Thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới.

Bản thân tôi hiện đang công tác trong ngành ngân hàng nhưng với tình yêu và sự quyết tâm đem lụa Việt Nam cao cấp ra quốc tế, tôi và các cộng sự đã xây dựng lên DeSilk cách đây 2 năm. Để có được những tấm vải lụa tốt nhất, tôi đã đi khắp đất nước để tìm kiếm nguồn nguyên liệu và quyết định chọn lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) thủ phủ mới của nghề tơ tằm Việt Nam, chiếm khoảng 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước. Với công nghệ tiên tiến được chuyển giao bởi các kỹ sư Nhật Bản, Bảo Lộc sản xuất ra những tấm vải lụa thượng hạng nhất.

DeSilk mong muốn, qua từng sản phẩm của mình, mọi người đều thấy được giá trị của nghề truyền thống cha ông để lại cũng như cảm nhận được các vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời Việt Nam. DeSilk vận hành theo mô hình thương hiệu đẳng cấp quốc tế và làm được điều DeSilk đã vô cùng may mắn có được sự cộng tác của một nhà thiết kế tài ba người Thuỵ Sĩ gốc Việt: Minh Phạm. Anh chính là người thiết kế nên 4 bộ sưu tập riêng được tự hào giới thiệu với mọi người trong ngày hôm nay là: Cá Kol, Hoa Sen, Linh Thú và Kiến trúc cổ Việt Nam. Sinh ra và lớn lên tại Thuỵ Sĩ nhưng Minh Phạm luôn muốn tìm về các giá trị Việt Nam và cống hiến được cho đất nước.

Nhân dịp này cũng cho phép tôi được nói lời cảm ơn từ đáy lòng đến tất cả mọi người, từ những người trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, guồng tơ, mắc cửi, nối cửi, dệt tơ, nhuộm tơ... để làm ra các sản phẩm DeSilk được mọi người đón nhận.

Rất rất nhiều người nông dân, thợ thủ công, công nhân, mà tôi chưa từng được gặp nhưng các bạn chính là những người góp sức làm nên thành công của DeSilk hôm nay. Đó cũng là ước nguyện của tôi bởi DeSilk không phải là sở hữu của một cá nhân nào cả. Đó là sự kết tinh của một tập thể những người mang trong mình tình yêu với lụa Việt Nam.

Ai cũng biết dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp thế nào. Bản thân DeSilk là một start-up non trẻ cũng đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, DeSilk đã vượt qua được những khó khăn đó bằng sự đồng lòng, đồng sức của tất cả mọi người trong công ty. DeSilk cho ra mắt sản phẩm mới, khẩu trang lụa vừa ngăn được vi khuẩn, vi rus lại thân thiện với môi trường, bảo vệ được da mặt nến được khách hàng rất yêu thích. Bên cạnh đó, đội ngũ kinh doanh cũng tích cực đẩy mạnh bán hàng qua kênh B2B. Đặc biệt, khách hàng đối tác của DeSilk cũng là những doanh nghiệp cũng có chung những khát vọng nâng tầm giá trị Việt đã và đang tạo đựng được giá trị chung đóng góp cho cộng đồng.

Ngay cả việc được đồng hành với Bộ Ngoại Giao trong một sự kiện trọng đại như này, được phát biểu ở đây lúc này cũng là một vinh dự lớn của tôi cũng như sự đánh giá, nhìn nhận của mọi người với DeSilk.

Tôi xin vui mừng thông báo là năm 2020, doanh số của DeSilk không giảm mà còn tăng trưởng 150%, tạo ra được nhiều công việc, tăng thêm thu nhập cho những người lao động làm việc trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho DeSilk.

 Người xưa nói phải có duyên mới gặp được nhau. Vì vậy, gặp nhau vào lúc này hôm nay, lúc này chúng ta đã có duyên tri ngộ, bạn bè của nhau, đó là vinh dự của tôi. Và trong giờ phút xúc động này, tôi không biết nói gì hơn ngoài việc cố gắng hơn nữa, tận lực hơn nữa trong sứ mệnh đưa lụa Việt Nam lên tầm quốc tế.

Một lần nữa trân trọng cảm ơn!