Nghìn năm tơ lụa áo dài Việt Nam

Là quốc gia có nghề tơ lụa trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tơ lụa Việt Nam từ xưa đã nổi tiếng óng mượt, mịn màng và bền đẹp. Đến nay, dấu ấn đó còn ghi lại ở các làng nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa có tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)... Từ tơ lụa, người Việt đã sáng tạo ra chiếc áo dài, gửi gắm tâm hồn, tính cách của người Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Mục lục

Bắt nguồn từ nương dâu, con tằm cả nghìn năm trước

Từ thời Hùng Vương dựng nước

Những năm đầu Công nguyên giữ nước

Nhà Lý mở đầu cho thời cường thịnh dân tộc

Nhà Nguyễn với thời kỳ mở mang bờ cõi

Lụa ngày nay

Áo dài - Tâm hồn người Việt

Các triều đại Lý - Trần - Lê với áo giao lĩnh

Thế kỷ 18 với áo dài tứ thân

Thế kỷ 19 với chiếc áo dài ngũ thân

Áo dài Le Mur 1930

Áo dài Lê Phổ 1950

Áo dài Raglan 1960

Áo dài từ những năm 1970 đến nay

    Bắt nguồn từ nương dâu, con tằm cả nghìn năm trước

    Vẻ đẹp óng ả, mượt mà và quý phái của những tấm lụa từ lâu đã được con người tôn vinh, thậm chí là sùng bái. Ngay từ khi xuất hiện, tơ lụa đã được xem là mặt hàng xa xỉ, là biểu tượng của quyền lực và địa vị của giới thượng lưu. Con đường Tơ lụa nổi tiếng nối phương Đông với phương Tây được hình thành cũng chính bởi nhu cầu của tầng lớp cai trị phong kiến với mặt hàng này.


    Những con bướm tằm phá kén để chui ra. Nhờ nắm được bí mật của loài tằm mà con người đã biết ươm tơ, dệt lụa

    Trong đời sống văn hóa của người Việt, cây dâu - con tằm có một vị trí hết sức đặc biệt. Thăng trầm qua lịch sử, chúng đã đi vào tâm hồn người Việt của nhiều thời đại, gắn bó chặt chẽ với sinh mệnh của nhiều thế hệ và ghi dấu ấn lên đời sống, sinh hoạt văn hoá cho đến tận ngày nay.

    Một nong tằm là năm nong kén
    Một nong kén là chín nén tơ
    Quản bao tháng đợi năm chờ
    Ai ơi dứt mối lìa tơ sao đành

    Trải dài khắp dải đất nước Việt Nam, nơi đâu cũng có những người vợ thảo hiền, tảo tần sớm hôm với nghề tầm tang canh cửi, nuôi chồng ăn học để ôm chí lớn, ghi danh bảng vàng nhà vua.

    Sáng trăng chiếu rải đôi hàng.
    Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ


    Hình ảnh nàng Châu Long thông minh, đảm đang quay tơ nuôi chàng học trò Lưu Bình học thành tài trong tích truyện Lưu Bình - Dương Lễ quen thuộc với rất nhiều người Việt Nam

    Và từ những cuộn tơ óng ả, người Việt xưa đã biết dệt nên nhiều thứ lụa tốt khác nhau như: Trừu là lụa thô và to sợi; lượt là lụa thưa và trơn; sa là lụa mỏng và trơn; the là lụa nhẹ màu sáng; xuyến là lụa trơn dày hơn, màu sáng; nhiễu là lụa trơn, dày và bền; là là lụa dệt bằng tơ nõn với những đường sọc nhỏ đều nhau và nhuộm đen; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn cũng là một loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; vóc là lụa bóng mịn có dệt hoa; văn là loại lụa có dệt hoa lớn, dày, chất lượng cao hơn và gấm là lụa cao cấp nhất. Người Việt mặc những bộ trang phục may bằng thứ lụa tơ tằm, dù đơn sơ, mộc mạc chốn dân dã, hay sang trọng, cầu kỳ nơi phố thị tuỳ vào tầng lớp trong xã hội. Sợi tơ tằm mỏng manh nhưng dẻo dai, bền bỉ cũng như tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam.

    Từ thời Hùng Vương dựng nước

    Theo huyền sử, người Việt cổ đã biết trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi, dệt lụa từ thời Hùng Vương dựng nước cách đây hơn 4.000 năm. Tương truyền, công chúa Thiều Hoa, con gái vua Hùng từ thành Phong Châu sang Cổ Đô dạy dân nghề dệt lụa. Cứ thế phát triển lụa làng Cổ Đô trở thành sản vật tiến Vua và đi vào câu ca dao vang tiếng muôn đời:

    Lụa này thật lụa Cổ Đô
    Chính tông lụa cống các cô ưa dùng

    Khắp đất nước Việt Nam, chỗ nào cũng có cây dâu tằm sinh trưởng
    Khắp đất nước Việt Nam, chỗ nào cũng có cây dâu tằm sinh trưởng

    Những năm đầu Công nguyên giữ nước

    Trong lịch sử Việt Nam, thời nào cũng những người phụ nữ nổi tiếng gắn bó với nghề tầm tang. Từ những năm 40 sau Công nguyên, khi hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị vốn là con gái vị Lạc tướng ở huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương phất cờ khởi nghĩa dành độc lập, rất nhiều các nữ tướng tài ba, anh dũng của Hai Bà là các cô gái giỏi nghề canh cửi như Thục Nương, Xuân Nương, Phật Nguyệt… Xuất thân từ những ngôi làng có kén tằm vàng óng phơi trước sân trước ngõ mọi nhà, các cô thôn nữ đã hoá thân thành những chiến tước uy dũng, đánh cho quân xâm lược thất điên bát đảo. Đền thờ của họ đến nay vẫn còn nhân dân thờ phụng.


    Những con tằm miệt mài ăn lá dâu

    Nhà Lý mở đầu cho thời cường thịnh dân tộc

    Nhưng phải đến khi đất nước dành được độc lập, các vua Lý mở đầu cho thời kỳ cường thịnh với chính sách “người Việt dùng lụa Việt” thì nghề tằm tang canh cửi mới có sự phát triển vượt bậc. Vua Lý Thái Tông (1000-1054) đã đích thân chỉ đạo các cung nữ học dệt để làm ra thứ lụa gấm đẹp không thua gì hàng phương Bắc và trong cung chỉ dùng thứ lụa đó. Thời Lý cũng ghi dấu ấn của Nguyên phi Ỷ Lan (1044 - 1117) vốn là cô gái hái dâu, chăn tằm ở làng Thổ Lỗi được vua Lý Thánh Tông (con vua Lý Thái Tông) đón về cung và bà đã giúp vua trị nước an dân khi vua đi đánh giặc. Công chúa Từ Hoa được vua cha là Lý Thần Tông cho lập phủ ở Nghi Tàm bên Hồ Tây để cùng cung nữ trồng dâu dệt lụa. Bà Nguyễn Thị La giỏi nghề dệt lại học hỏi được kỹ thuật dệt của Chàm được vua Lý Huệ Tông sắc phong làm Thụ La công chúa…

    Về sau chính người phương Bắc nhìn thấy lụa của nước ta cũng phải ngạc nhiên. Sứ nhà Nguyên là Từ Minh Thiện trong An Nam tức sự – Thiên Nam hành lý đã phải ca ngợi Đại Việt có lụa sợi nhỏ ngũ sắc, có chiếu dệt gấm màu, có lĩnh ngũ sắc mềm mại bóng đẹp ở kinh đô ven Hồ Tây.


    Những kén tằm, tơ vàng óng

    Nhà Nguyễn với thời kỳ mở mang bờ cõi

    Đến tận thế kỷ 17, khi các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi thì mảnh đất Quảng Nam là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới, có đô thị cổ Hội An nằm dọc sông Thu Bồn, xưa kia là đất quận Nhật Nam, nổi tiếng với câu "đàn ông trồng dâu, đàn bà dệt lụa”. Nhân dân xứ này ghi nhớ công ơn của bà Đoàn Thị Ngọc – Đoàn Quý Phi - Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và xưng tụng là Bà Chúa Tằm Tang bởi công lao đưa lụa của xứ Đàng Trong nối vào “con đường tơ lụa trên biển”. Đến nay, người dân nơi đây vẫn còn truyền tụng câu hát "táo bạo" bà cất lên khi còn là cô gái hái dâu bên sông.

    Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu
    Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình

    Câu hát lọt vào tai vị Hoàng tử Nguyễn Phúc Lan đang xuôi thuyền rồng trên sông để rồi ngài phải cẩt công đi tìm vị chủ nhân câu hát và viết lên một câu chuyện tình yêu lãng mạn. Dưới thời Chúa Nguyễn, hàng năm tơ sống và các loại lụa của Xứ Quảng và Đàng Trong đã được xuất khẩu cho các nước Đông Nam Châu Á và phương Tây qua cảng thị Hội An tại Hội chợ quốc tế kéo dài từ tháng hai cho đến tháng sáu âm lịch. Các tàu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan.v.v... đã đến đây để giao thương. Cảng thị Hội An vì thế đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương, nối liền phương Đông với phương Tây trong thời kỳ Trung Đại của lịch sử.


    Thôn nữ hái dâu bên dòng sông Thu Bồn, Quảng Nam ngày nay

    Lụa ngày nay

    Thăng trầm trong lịch sử, có những giai đoạn lụa gần như bị quên lãng trong thời kỳ chiến tranh rồi bao cấp do những khó khăn chung của xã hội. Nhiều làng nghề bị mai một vì nghệ nhân không có người nối dõi. Các doanh nghiệp quốc doanh bị giải thể vì làm ăn yếu kém, phương thức sản xuất lạc hậu, không cạnh tranh được với những loại vải vóc hiện đại. Tuy nhiên, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới cùng với chính sách phát triển và bảo tồn nghề lụa của Nhà nước, ngành nghề này đã được phục hồi. Trong đó, Bảo Lộc, Lâm Đồng nổi lên như một thủ phủ dâu tằm tơ mới của cả nước, quy tụ khoảng 30 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh về tơ tằm. Sản lượng tơ của Bảo Lộc ước đạt khoảng 1.000 - 1.200 tấn, sản lượng lụa đạt 3,5 triệu mét vuông, chiếm 80% sản lượng tơ lụa cả nước. (http://baolamdong.vn/kinh-te/202301/miet-mai-dua-to-lua-bao-loc-vuon-ra-bien-lon-3320ed6/)


    Sự kiện International Women’s Day Celebration Gathering 2021 do Bộ Ngoại giao và DeSilk phối hợp tổ chức tại Hà Nội

    Không chỉ tăng về sản lượng, tơ lụa Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới bởi sự tham gia của đội ngũ các nhà thế kế tài năng như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung,... với các bộ sưu tập thời trang lấy chất liệu từ tơ tằm truyền thống Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Cùng với đó là những doanh nghiệp tư nhân đưa ra những sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng để định danh với người tiêu dùng. DeSilk là một trong số đó. Thành lập năm 2018 bởi Nhà sáng lập Văn Hằng, mỗi thiết kế của DeSilk mang đến một câu chuyện, một cảm xúc khơi nguồn từ thiên nhiên, văn hoá và thủ công truyền thống Việt Nam, chắt lọc qua bàn tay và khối óc của các nghệ nhân. Mong muốn của DeSilk là quảng bá tinh hoạ lụa của người Việt, đồng thời  mang đến một luồng gió mới bằng các thiết kế hiện đại đến từ phương Tây, tái hiện qua con mắt của Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm, một người Thuỵ Sĩ gốc Việt. Sản phẩm của DeSilk đa dạng từ lụa nguyên tấm, khăn các kích cỡ, khẩu trang, cà vạt, trang phục may sẵn và đặc biệt là áo dài mang đến những trải nghiệm phong phú cho khách hàng.


    Khăn lụa của DeSilk trưng bày tại Nhà triển lãm Việt Nam tại EXPO Dubai 2020

    Khi mà xã hội ngày càng trân trọng những giá trị truyền thống và chất liệu tư nhiên thân thiện với môi trường thì lụa càng được người tiêu dùng đón nhận. Lụa vì thế không đơn thuần chỉ là một chất liệu may mặc thông thường mà nó còn là sản phẩm văn hóa đặc biệt mang đậm dấu ấn Việt Nam.

    Áo dài - Tâm hồn người Việt

    Khi nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến “Áo dài”. Trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình phát triển lịch sử, tà áo dài Việt Nam vẫn tồn tại cùng với thời gian, được xem là trang phục truyền thống, là một biểu tượng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.

    Khi Hai Bà Trưng cưỡi voi đeo lọng ra trận dành độc lập tự do cho dân tộc, hình ảnh áo dài Việt Nam đã xuất hiện trong đời sống người Việt hay xuất hiện trên các trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ và thạp đồng Đào Thịnh. Nói chung, tà áo dài Việt đã đi cùng những năm tháng hào hùng của dân tộc, trở thành niềm tự hào, biểu tượng của người Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận. Theo từng thời kỳ cùng với những diễn biến của tiến trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài vẫn luôn trường tồn theo dòng thời gian. Đây vẫn là trang phục truyền thống mang đậm dấu ấn lịch sử lâu đời của Việt Nam ngàn năm văn hiến. 


    Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh đuổi quân giặc (tranh dân gian Đông Hồ)

    Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt. Áo dài là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam bởi chứa đựng trong đó là những tinh hoa, tâm hồn, tính cách của người Việt Nam. Dẫu trải qua thăng trầm, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần trong xã hội Việt Nam .

    Các triều đại Lý - Trần - Lê với áo giao lĩnh

    Áo giao lĩnh còn được biết đến với tên trường lĩnh, tràng vạt, đối lĩnh là một dạng áo cổ phổ biến ở Việt Nam vào thời Lý - Trần - Lê. Kiểu áo mang kiểu dáng sơ khai của áo dài Việt Nam, có cổ áo giao nhau ở trước ngực, vạt nằm trên sẽ chéo qua bên phải của người mặc, bên trái của người nhìn. Áo may kích thước rộng, xẻ 2 bên hông hay còn được gọi là tà. Từ xưa, loại áo này thường có nhiều kiểu ống tay áo, nhưng chủ yếu phân biệt ở dạng tay thụng rộng hoặc tay hẹp bó sát.

    Hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài giao lĩnh được ghi lại ở tài liệu của Pháp.
    Hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài giao lĩnh tay bó được ghi lại ở tài liệu của Pháp.

    Thế kỷ 18 với áo dài tứ thân

    Để thuận tiện hơn trong công việc, lao động và đi lại, chiếc áo giao lĩnh được thiết kế gọn lại thành áo tứ thân cho đến nay được các liền chị Kinh Bắc mặc khi hát quan họ.

    Áo tứ thân được thiết kế với bốn thân áo, hai cái ở trước và hai cái ở sau. Vạt sau được khâu lại gọi là sống áo. Trong khi đó, vạt trước được để tách riêng. Áo sẽ không có khuy cài mà chỉ dùng vạt buộc ở trước hoặc dây thắt riêng. Ngoài ra, trang phục cũng có thiết kế tay dài, bó nhẹ ở ống. Phần tà áo sau dài ngang bắp chân, thường được mặc cùng đầm đụp màu đen, áo lót mặc trong là áo yếm.


    Trình diễn áo tứ thân tại buổi trình diễn Áo dài cổ phục Việt do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức 

    Thế kỷ 19 với chiếc áo dài ngũ thân

    Dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, sự xuất hiện của chiếc áo dài ngũ thân được ra đời nhằm tạo ra sự cách biệt giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp nông dân. Áo may cổ đứng có 5 phần, vì thời xưa công nghệ chưa phát triển, khổ vải dệt từ tơ tằm chỉ được 30 cm đến 50 cm, khi may thành tà áo phải nối lại gọi là đối sóng hay nối sóng, cho nên áo ngũ thân có tất cả là 4 vạt chính và một vạt phụ gọi là áo 5 thân.

    Trình diễn áo ngũ thân thân tại buổi trình diễn Áo dài cổ phục Việt do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức 
    Trình diễn áo ngũ thân thân tại buổi trình diễn Áo dài cổ phục Việt do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức

    Áo dài Le Mur 1930

    Kiểu dáng áo dài Lemur được ra đời bởi bàn tay sáng tạo đến từ họa sĩ Cát Tường. Dựa trên áo ngũ thân, Cát Tường bắt đầu cách tân y phục của phụ nữ Việt. Ông nới rộng tay áo, bỏ đi phần cổ áo và thiết kế lại chiếc quần cùng tà áo để vừa vặn với cơ thể người phụ nữ hơn. Chiếc quần do Cát Tường cải tiến trở nên thon gọn và khoe được phần bụng phụ nữ một cách hấp dẫn, gợi mở hơn so với loại quần ngày trước

    Vào tháng 3/1934, hoạ sĩ Cát Tường đưa ra mẫu áo dài đầu tiên trên báo Phong Hóa số 90. Chiếc áo có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, may ôm sát cơ thể, thắt ở eo, tay và cổ có viền nhỏ, khuy áo được mở sang hai bên sườn, tay áo phồng. Tuy nhiên, ông gặp phải rất nhiều sự phản đối của dư luận cho là bị lai Tây không đúng đắn phong tục tạp quán Việt Nam thời bấy giờ.

    Áo dài Lemur từ bảo tàng áo dài của Sĩ Hoàng
    Áo dài Lemur từ bảo tàng áo dài của Sĩ Hoàng

    Áo dài Lê Phổ 1950

    Sau áo dài Lemur, họa sĩ Lê Phổ cải tiến, kết hợp với áo tứ thân thành kiểu áo dài mới, gọi là áo dài Lê Phổ. Ông nâng cổ áo lên cao, dần thành áo có cổ viền, chiếc áo bó sát thân trên, mở hai vạt dưới, kết quả dẫn tới chiếc áo dài có tính truyền thống và hiện đại hơn và được hoan nghênh nhiệt liệt. Từ thời điểm này đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam trở nên nổi tiếng.

      Áo dài Lê Phổ cổ cao được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt hiện nay. Ảnh tư liệu
      Áo dài Lê Phổ cổ cao được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt hiện nay. Ảnh tư liệu 

    Áo dài Raglan 1960

    Tiếp sau đó là áo dài Raglan còn gọi là áo dài giắc-lăng, xuất hiện vào năm 1960 do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.


    Áo dài Raglan trên đường phố Sài Gòn những năm 60. Ảnh tư liệu

    Áo dài từ những năm 1970 đến nay

    Trải qua nhiều thời kỳ biến đổi từ kiểu dáng và chất liệu cho đến nay chiếc áo dài Việt Nam đã trở thành bộ quốc phục mang hơi thở dân tộc, tôn vốn, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi chiếc áo dài đều đem đến nét đặc trưng gợi cảm, kín đáo cho người phụ nữ  mà không một bộ trang phục nào mang lại được. Ngày nay, vào những dịp Tết đến Xuân Về, các kỳ lễ hội, nghi thức lễ cưới hoặc tại các văn phòng cơ quan làm việc đều sử dụng chiếc áo dài truyền thống này. Khắp mọi miền lãnh thổ cho dù đi đến đâu bạn vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy bộ quốc phục của đất nước Việt Nam


    Áo dài trong bộ sưu tập Dáng Sen của DeSilk