“Của bền tại người”, để lụa tơ tằm luôn giữ được phom dáng và màu sắc tươi đẹp, bạn cần biết cách chăm sóc và bảo quản lụa đúng cách.
Giặt khô là phương thức tốt nhất được các chuyên gia khuyên để bảo quản lụa tơ tằm.
Giặt tại cửa hàng giặt là chuyên nghiệp, chú ý chọn cơ sở sử dụng hoá chất làm sạch lành tính không làm tổn hại đến chất liệu lụa tơ.
Giặt hấp bằng tủ chăm sóc quần áo thông minh hay còn gọi là tủ giặt sấy khô, tủ giặt khô hay máy giặt hấp sấy. Hiện trên thị trường có rất nhiều các loại tủ của các thương hiệu LG Styler, Samsung AirDresser… tích hợp chức năng giặt, sấy và “chăm sóc" trang phục bài bản (như diệt khuẩn, khử mùi, hạn chế tình trạng nhăn…)
Trong trường hợp tự giặt ở nhà, cần tuân theo các bước hướng dẫn sau:
Làm sạch: Sử dụng nước mát ở nhiệt độ phòng và dung dịch làm sạch dịu nhẹ (dầu gội, dầu tắm hoặc xà phòng giặt lụa chuyên nghiệp). Có thể hoà xà phòng vào nước hoặc bôi vào chỗ có vết bẩn. Chỉ nên vỗ và xoa, tránh vò, chà xát mạnh. Giặt nhanh, tổng thời gian không quá 5 phút để tránh làm hỏng sợi lụa.
Rũ nước: Rũ lụa bằng nước mát nhiều lần cho đến khi hết xà phòng. Không vắt mạnh mà chỉ bóp nhẹ để nước chảy ra.
Phơi khô tự nhiên: Phơi lụa trong bóng râm, tránh ánh nắng trực tiếp làm phai màu.
Là phẳng: Chọn bàn là phun hơi (của hãng Philips là tốt nhất), chọn chế độ nhiệt thích hợp khoảng 150°C (tương đương cotton).. Là mặt trái của lụa để tránh làm bóng bề mặt. Là khi lụa còn ẩm. Nếu đã khô thì phun hơi đậm một chút.
*Lưu ý: với những chiếc khăn đã được khâu viền thủ công bằng tay không nên giặt nước để tránh làm hỏng đường bo tròn được các nghệ nhân làm một một cách kỳ công, tỉ mỉ.
Sau khi là xong nên treo lụa thẳng trên mắc quần áo, tránh các loại móc, kẹp có độ sắc nhọn làm tổn thương lụa.
Khi không sử dụng, có thể gấp lụa và để trong túi vải hoặc bọc lụa trong giấy sáp để bảo vệ sản phẩm.
Tránh hóa chất: Tránh tiếp xúc lụa với các loại nước hoa, keo xịt tóc và các chất hóa học khác có thể làm hỏng sợi lụa.